FRANCHISING
& LICENSING VIETNAM
FOLLOW US ON
Bạn đang quan tâm 0 thương hiệu   Gửi yêu cầu tư vấn

Tiết học bắt đầu khi chiếc lá trong công viên rơi trúng người học trò

Tiết học có thể được đánh dấu khi cả nhóm dắt tay nhau đi dạo công viên, một chiếc lá vàng rời cành rơi đáp trúng mũi bé, bé thoáng giật mình rồi cười nắc nẻ và hỏi: “Ủa! Sao chiếc lá lại rơi? Sao lá vàng rơi chứ không phải là lá xanh? Mà sao lá không rơi lên mà phải rơi xuống?”.

Để lý giải điều này, cả nhóm phải vận dụng rất nhiều kiến thức về sinh học, vật lý, hóa học, và còn có thể ngâm nga những áng văn thơ lãng mạn về lá vàng rơi. Rồi bé bắt đầu vẽ, dựng mô hình để kể lại vòng đời của chiếc lá.

Cũng là tri thức nhưng trẻ sẽ cảm thấy thoải mái khi ghi nhận, vì đó là sự hồi đáp cho câu hỏi từ chính mình. Trẻ khát khao được biết, nhờ vậy mà đầu óc sẽ khắc sâu, nhớ lâu hơn là nhồi nhét các môn học riêng lẻ, không có tính kết nối và ứng dụng ở thực tế sinh động.

Và như thế tránh được tình trạng học sinh quá tải, học nhiều nhưng không biết để làm gì, học sinh bị trầm cảm, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Học không bám sát phân môn mà học theo tình huống, cùng giải quyết một vấn đề, mổ xẻ một câu hỏi là cách giáo dục mang đậm dấu ấn Phần Lan. Mô hình giáo dục Arkki được chính phủ Phần Lan xây dựng, vừa được nhượng quyền tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đây là mô hình giáo dục sử dụng kiến trúc như một bộ môn đa ngành làm cốt lõi để đào tạo tất cả các chủ đề STEAM (Science – khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật, Arts – mỹ thuật, Mathematics – toán) và phát triển hệ thống các kỹ năng thế kỷ 21 cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 4-18 tuổi thông qua các hoạt động vui chơi dựa trên hiện tượng thực tế cuộc sống.

Kiến trúc sư, nhà giáo dục Pihla Meskanen (“mẹ đẻ” của mô hình Arkki, đồng tác giả của Chương trình quốc gia Phần Lan về giáo dục mỹ thuật trực quan và kiến trúc, thuộc Ủy ban Quốc gia về giáo dục Phần Lan) cho biết: “Với mô hình giáo dục này, khi học, trẻ sẽ vận dụng tất cả giác quan (nhìn, sờ, ngửi, vận động…), kết hợp nhiều hình thức (kể chuyện, chơi, đóng kịch, làm mô hình, học ở lớp, ở trại hè… ).

Trẻ làm việc nhóm, học lẫn nhau và học thông qua “trò chơi” thiết kế mô hình 3D trên cơ sở tổng hợp tri thức của rất nhiều môn học. Chơi là hình thức học tự nhiên nhất, trẻ con biết chơi còn sớm hơn cả biết bò, đi, đứng… Kiến thức thu nhặt được khi chơi được ghi nhận tự nhiên nhất”.

Tất nhiên không phải chơi tự do, làm gì cũng được mà là chơi có định hướng, có mục tiêu rõ ràng, có luật chơi, vừa tận hưởng niềm vui vừa tạo ra giá trị cho người khác, cho xã hội và chính các em. Tư duy thiết kế đòi hỏi trẻ không ngừng phát minh, sáng tạo và có tính nhân văn, sáng tạo để con người thụ hưởng: các bé thiết kế chiếc ghế ngồi không mỏi lưng, các sản phẩm cho trẻ em, người khuyết tật…

Chị Hoàng Oanh, ngụ Q.3, TP.HCM chia sẻ: “Tôi ngỡ ngàng trước trí tưởng tượng và sáng tạo khủng khiếp của bọn trẻ khi thiết kế bông hoa, nhà ở, mô hình tế bào… từ những vật liệu thân quen như cây tăm, que gỗ, kẹo, đường… Tôi thấy ở con một đứa trẻ khác với đứa trẻ chỉ biết vâng dạ, làm theo lời người lớn hằng ngày. Từ những buổi học “lăng xăng” và luôn luôn chế tạo sản phẩm đó, con tôi kiên nhẫn hơn, giao tiếp, hợp tác tốt hơn nhờ phối hợp trong nhóm”.  

(Theo Phụ nữ TPHCM)

Tin khác