FRANCHISING
& LICENSING VIETNAM
FOLLOW US ON
Bạn đang quan tâm 0 thương hiệu   Gửi yêu cầu tư vấn

Doanh nghiệp Mỹ tăng lương, hứa tặng xe để thu hút lao động

Theo Financial Times, suốt 6 tháng qua, ông Jose Contreras - giám đốc nhân sự của Shrimp Basket, chuỗi nhà hàng hải sản tại Pensacola (Florida) - không thể tìm đủ nhân viên cho mùa hè. Những phương pháp truyền thống như chạy quảng cáo trên các diễn đàn việc làm hay tặng tiền thưởng tuyển dụng không mang lại kết quả khả quan.

Do đó, ông Contreras quyết định đi một “nước cờ” sáng tạo hơn. Ông treo giải thưởng là một chiếc xe thể thao đa dụng có giá gần 23.000 USD cho một trong số các nhân viên mới theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.

“Nếu so sánh chi phí của một chiếc ôtô mới với tình trạng thiếu hụt nhân viên dẫn đến nguy cơ phải đóng cửa nhà hàng hoặc chỉ bán mang về, chiếc xe không phải là khoản đầu tư đáng kể", ông Contreras giải thích. Lập tức, số đơn xin việc tại Shrimp Basket tăng mạnh, nhưng chừng đó là chưa đủ để lấp 50% vị trí trống.

48% doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ tuyển dụng lao động

Theo Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Mỹ, Shrimp Basket thuộc nhóm 48% doanh nghiệp nhỏ tuyển dụng lao động trong tháng 5. Khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp này phụ thuộc vào việc họ có tuyển đủ số lượng nhân viên hay không.

Đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, một số chuỗi doanh nghiệp bán lẻ như Costco, McDonald's và Chipotle nhanh chóng tăng lương và áp dụng các sáng kiến thu hút thêm lao động, ví dụ như tiền thưởng ký hợp đồng lao động hoặc hỗ trợ đóng học phí đại học.

Các nỗ lực này mang lại kết quả nhất định. Cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết các công ty tuyển dụng 559.000 nhân viên trong tháng 5, gấp đôi so với tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, phần lớn số việc làm mới tập trung ở các lĩnh vực như kho bãi, sản xuất, vận tải và chăm sóc sức khỏe. Số lượng việc làm mới trong các ngành giải trí và dịch vụ khách hàng trong tháng 5 chỉ đạt 292.000, thấp hơn con số 328.000 của tháng 4.

Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ - vẫn gặp khó khăn về tài chính do tác động của dịch Covid-19 - không đủ nguồn lực để cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thị trường lao động, do đó rơi vào cảnh thiếu nhân lực.

“Các doanh nghiệp nhỏ chịu áp lực lớn về nguồn nhân lực, nhưng không có đủ sức mạnh tài chính để thu hút lao động chất lượng cao", nhà kinh tế Daniel Zhao thuộc trang web việc làm Glassdoor cho biết.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết cuộc khủng hoảng Covid-19 đẩy hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ vào cảnh phá sản. Các chuyên gia kinh tế dự báo tình hình nhiều doanh nghiệp nhỏ khác sẽ đóng cửa trong thời gian tới do đến hạn trả nợ ngân hàng hoặc tiền thuê mặt bằng.

Hi vọng vào mùa hè

Các công ty nhỏ tại Mỹ đặt hy vọng phục hồi vào mùa hè bởi chính phủ Mỹ đang thực hiện nhanh chiến dịch tiêm vaccine chống Covid-19, nới lỏng lệnh giãn cách xã hội và người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. Tuy nhiên, vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ là phải tuyển dụng đủ lao động.

"Chủ doanh nghiệp tránh được vỏ dưa (lệnh giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19) thì gặp vỏ dừa (thiếu hụt lao động)”, nhà nghiên cứu Holly Wade thuộc hãng NFIB nhận định. Ông cho biết việc các tập đoàn lớn sẵn sàng tăng lương thưởng cho người lao động cũng khiến giới doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ chân nhân viên.

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động, một số nhà hàng Mỹ luân chuyển linh hoạt các vị trí thay vì mỗi người đảm nhận một công việc. Chuyên gia săn đầu người Tonya Breslow cho biết các chuỗi nhà hàng đơn giản hóa thực đơn để chế biến món ăn nhanh hơn mà không cần nhiều đầu bếp.

“Ban đầu, các nhà hàng cho rằng các nhân viên cũ sẽ quay trở lại. Nhưng điều đó không xảy ra và họ phải tìm cách thích ứng”, chuyên gia Breslow giải thích. Ví dụ, do không đủ nhân viên phục vụ bàn, Shrimp Basket đặt mã QR trên bàn ăn để thực khách có thể gọi món và thanh toán qua điện thoại.

Chuyên gia Breslow cho biết hiện nhiều người lao động Mỹ trở nên kén chọn hơn, sẵn sàng chờ đợi để tìm công việc có mức lương thưởng cao hơn, thời gian linh hoạt hơn. Bà Nicole Marquis - chủ chuỗi nhà hàng chay Hip City Veg - quyết định tăng lương tối thiểu cho nhân viên lên 15 USD/giờ.

Lập tức Hip City Veg chứng kiến số lượng nhân viên mới tăng nhanh, tinh thần làm việc cũng khởi sắc. “Việc tăng lương đem lại hiệu quả kinh doanh tốt. Chúng tôi đầu tư vào con người bởi đó là tài sản lớn nhất của công ty. Lợi nhuận từ khoản đầu tư đó sẽ sớm xuất hiện”, bà Marquis khẳng định.

Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, thu nhập trung bình của người lao động Mỹ tăng từ 29,74 USD/giờ hồi tháng 5/2020 lên lên 30,33 USD/giờ tháng 5 năm nay. Các nhà phân tích cho rằng những doanh nghiệp không thể tăng lương sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực cho tới sau tháng 9.

(Theo Zing)

Tin khác