Alibaba nghi ngờ bị JD chơi xấu

Một mặt, Alibaba, chủ sở hữu của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) và là nhà điều hành của nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới, tuyên bố rằng họ là mục tiêu tấn công của một loạt các blog và các bài đăng có tổ chức nhằm làm xấu đi hình ảnh công ty.

Mặt khác, JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai của Trung Quốc, cho biết nó cũng là mục tiêu của hơn 100 vụ tấn công bôi nhọ danh tiếng, như gần đây nhất là trong dịp mua sắm trực tuyến vào ngày lễ độc thân 11-11 vừa qua.

Trong một thông báo được Alibaba đưa ra trên mạng xã hội Weibo, bộ phận pháp lý của công ty cho rằng các cuộc tấn công vào Alibaba đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và được cố tình thiết kế để dẫn dắt dư luận. “Chúng tôi tin rằng các nhà chức trách nên điều tra và trừng phạt các nhóm tội phạm - những người đã thu lợi bất chính từ việc tuyên truyền những tin đồn vô căn cứ như vậy", theo thông báo mà bộ phận pháp lý đưa ra.

Cụ thể, các bài đăng trong các phòng chat cũng như các blogs đã tăng lên trong tháng qua, buộc tội Alibaba sử dụng sự thống trị trong thị trường thương mại điện tử Trung Quốc để ép buộc các cửa hàng đối tác kinh doanh hoặc chọn đứng về phía mình, hoặc bị vắt kiệt sức trong câu chuyện kinh doanh.

Theo một bài viết từ cố vấn pháp lý của Alibaba trên WeChat hôm thứ Tư, có tới 9.700 bài báo phát tán từ hơn 500 tài khoản trên mạng xã hội đã được đăng trên các nền tảng trực tuyến khác nhau ở Trung Quốc để tấn công Alibaba. Thời điểm tấn công chủ yếu diễn ra trước sự kiện mua sắm Singles Day, 11-11. Trong số các bài viết vừa nêu, có tới 4.600 bài hoặc cáo buộc Alibaba giữ thế độc quyền thị trường; hoặc gây sức ép các cửa hàng đối tác kinh doanh đứng về phía họ.

Theo nghiên cứu từ Analysys, nền tảng Tmall của Alibaba chiếm 80% thị phần quần áo trực tuyến của Trung Quốc, trong khi đó JD chiếm 10%.

Mặc dù Alibaba không nêu tên đích danh thủ phạm của các chiến dịch tấn công nêu trên nhưng cố vấn pháp lý của công ty đã chuyển các bài viết trên mạng Weibo tuyên bố JD là khách hàng đằng sau hợp đồng trị giá 2,6 triệu nhân dân tệ (394.000 USD) để thuê ChinaLabs, nhà cung cấp dịch vụ tư vấn ở Bắc Kinh, tấn công cáo buộc Alibaba độc quyền thị trường.

Nội dung của những bài viết này trích một phần hợp đồng ký kết giữa JD và ChinaLabs trong khoảng thời gian từ 01-8 đến 31-12. Theo đó, JD đã chi cho ChinaLabs 600.000 nhân dân tệ để tiến hành nghiên cứu và tổ chức các cuộc hội thảo nhằm thảo luận về sự độc quyền của Alibaba trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc.

Một hợp đồng khác cho thấy ChinaLabs đang nhận 2 triệu nhân dân tệ từ JD để xúi giục các cơ quan điều tiết chống độc quyền của Trung Quốc điều tra Alibaba về vấn đề độc quyền.

Mặc dù vậy, chưa có bất cứ kiểm chứng độc lập nào khẳng định tính chính xác của các hợp đồng nêu trên.

Về phía JD, những người phát ngôn tại JD, một nền tảng bán lẻ trực tuyến có giá trị thị trường khoảng một phần mười vốn hóa của Alibaba, đã không trả lời các tin nhắn văn bản và các cuộc điện thoại kêu gọi bình luận về sự kiện này. Thay vào đó, họ đã ủy quyền cho công ty Luật Jincheng Tongda đưa ra một tuyên bố vào hôm thứ Bảy phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với ChinaLabs.

Ông Fang Xingdong, chủ tịch của ChinaLabs, trong một bài viết trên mạng Weibo cũng đã phủ nhận thông tin cho rằng công ty ông đã ký kết hợp đồng với JD; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục điều tra và nghiên cứu về tình hình chống độc quyền trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc.

Cổ phiếu của Alibaba đã tăng gấp đôi trong năm nay khi công ty có trụ sở tại Hàng Châu này phá vỡ kỷ lục bán lẻ vào ngày 11-11 vừa qua và đẩy mạnh sự tích hợp giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến. Ngay trong tháng này, Alibaba đã đồng ý mua 36% cổ phần trong tập đoàn bán lẻ Sun Art, đơn vị điều hành một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất tại Trung Quốc.

(Theo Retail News Asia)

Tin khác