Cuộc chiến bên trong 7-Eleven

Sandhu không phải là người chủ cửa hàng 7-Eleven duy nhất bị cảnh sát di trú thăm hỏi. Cùng hôm đó, cảnh sát di trú khắp nước Mỹ kiểm tra 98 cửa hàng 7-Eleven ở 17 bang và Washington DC, bắt giữ một số nhân viên không có giấy tờ nhập cư.

Một mặt, đây là một cơn ác mộng truyền thông cho 7-Eleven và CEO của nó, Joe DePinto. Nhưng theo một bài điều tra dài của hãng tin Bloomberg, đây cũng có thể là điều có lợi cho 7-Eleven: Chủ cửa hàng vi phạm luật nhập cư có thể vi phạm hợp đồng nhượng quyền và do đó 7-Eleven có thể lấy lại cửa hàng. Xung đột giữa bên nhượng quyền và 7-Eleven đã kéo dài nhiều năm nay kể từ khi DePinto lên nắm quyền điều hành. Bloomberg tường thuật, ông đòi hỏi nhiều điều từ bên nhượng quyền như phải bán nhiều loại hàng hơn, trả phí nhượng quyền cao hơn, tuân thủ nhiều quy định hơn... Các chủ cửa hàng cũng tìm cách đối phó bằng cách phối hợp với nhau và khởi kiện.

Kinh doanh một cửa hàng 7-Eleven không phải là chuyện dễ. Ngày xưa chỉ cần bày bán sữa, thuốc lá và vé số. Nay quy định nội bộ bắt buộc cửa hàng phải có bán cả ngàn mặt hàng. Những “thám tử tư” được 7-Eleven thuê để ghé cửa hàng kiểm tra đột xuất xem thử chủ cửa hàng có tuân thủ quy định nội bộ đến từng chi tiết như các hộp Red Bull trưng bày phải quay mặt ra bên ngoài. Bốn vi phạm trong vòng hai năm có thể kết thúc bằng hủy hợp đồng nhượng quyền - tức chủ cũ sẽ mất cửa hàng, từng phải bỏ một khoản tiền lớn để sang nhượng lại.

Lợi nhuận của bên nhượng quyền đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Chẳng hạn một cửa hàng ở Chicago doanh thu mỗi năm lên đến 1 triệu đô la; sau khi trừ mọi chi phí, kể cả phí nhượng quyền tăng do doanh thu tăng, người chủ chỉ còn lại 37.000 đô la chưa tính thuế.

* * *

Tại Mỹ, 7-Eleven có chừng 9.000 cửa hàng, phần lớn hoạt động theo dạng nhượng quyền; bên nhượng quyền trong nhiều trường hợp là dân nhập cư, lúc mới đến Mỹ xin vào cửa hàng 7-Eleven làm việc, dành dụm trong nhiều năm, sau đó mua lại cửa hàng để kinh doanh. Lúc đó họ sẽ báo cho bà con còn ở quê nhà, bảo cứ sang đây tôi sẽ cho vào làm việc. Sự phát triển của 7-Eleven cứ theo con đường đó trong nhiều thập niên, theo lời kể của ông James Keyes, CEO của 7-Eleven từ năm 2000-2005.

Năm 2005, 7-Eleven về tay tỉ phú người Nhật, Masatoshi Ito. Ít lâu sau đó Keyes về hưu và DePinto lên thay. Tình hình kinh tế khó khăn, nhất là khi cuộc khủng hoảng năm 2008 nổ ra, tỷ suất lợi nhuận của 7-Eleven xuống thấp do mức lương tối thiểu tăng, thuế đánh lên thuốc lá và bia tăng làm doanh thu giảm sút. DePinto đưa ra mức phí cao hơn, đòi kiểm soát gắt gao hơn. Theo tài liệu các vụ kiện mà Bloomberg thu thập, doanh nghiệp này tổ chức các đội điều tra, theo dõi các cửa hàng mà họ cho là có vấn đề, gắn camera dấu kín, thiết bị nghe lén, có lúc giả làm xe chở thợ sửa ống nước. Bloomberg không loại trừ 7-Eleven cung cấp thông tin về chủ cửa hàng cho cảnh sát di trú để cảnh sát tổ chức bố ráp người nhập cư trái phép. 7-Eleven phủ nhận điều này.

Theo Bloomberg, có hẳn một chiến dịch nhắm vào việc lấy lại cửa hàng nhượng quyền trong một danh sách bao gồm các chủ cửa hàng là thành viên của hiệp hội nhượng quyền 7-Eleven.

Mặc dù 7-Eleven phủ nhận mọi cáo buộc rằng họ biết trước các cuộc “viếng thăm” của cảnh sát di trú, vẫn râm ran những nhận xét, cảnh sát chỉ đến viếng cửa hàng nào mà chủ đang kiện 7-Eleven hay người từng lớn tiếng phản đối DePinto. Sandhu liên quan đến hai vụ kiện chống lại 7-Eleven; ông không khỏi thốt lên: sao lại là tôi, trong hàng trăm cửa hàng 7-Eleven ở Los Angeles, sao cảnh sát tập trung vào tôi?

Trong một nỗ lực tìm cách tuân thủ luật lệ nhập cư, hiệp hội các nhà nhượng quyền 7-Eleven mời Allison Carter Anderson, một đặc vụ ở Bộ Nội an đến nói chuyện với hàng trăm chủ cửa hàng nhượng quyền, đa phần là dân nhập cư từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Trung Quốc. Đến phần hỏi đáp, Serge Haitayan cầm micro. Ông là chủ một cửa hàng 7-Eleven ở Fresno, California. Năm ngoái ông cùng Sandhu khởi kiện 7-Eleven đã đối xử với họ như nhân viên chứ không phải như đối tác. Tháng 7 năm nay, ba cảnh sát di trú vào cửa hàng ông đòi ông xuất trình hồ sơ nhân viên từng thuê mướn 3 năm qua. Ông hỏi: “Vì sao di trú cứ nhắm vào cửa hàng 7-Eleven? Vì sao?”

Carter Anderson hơi mỉm cười, đáp: “Tôi hiểu câu hỏi nhưng tôi không thể trả lời câu hỏi này”. 

(Theo TBKTSG)

Tin khác