Tập đoàn Starbucks có trụ sở tại Washington, Seattle là đơn vị dẫn đầu thị trường cà phê Trung Quốc kể từ năm 1999 khi Trung Quốc mở cửa với thương mại quốc tế. Tuy nhiên, sau 2 thập kỷ chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, doanh thu tại thị trường này dường như đã “tới hạn”.
Nhiều nhà quan sát thị trường bày tỏ quan ngại về hoạt động của Starbucks tại thị trường Trung Quốc. Thậm chí, mới đây, Goldman Sachs lần đầu tiên hạ bậc tín nhiệm cổ phiếu của Starbucks từ “mua" xuống “trung tính" do những quan ngại về chiến lược kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.
Điều này là do sự xuất hiện của tay chơi mới Luckin Coffee, startup công nghệ trong lĩnh vực cà phê. Với sự tăng trưởng thần kỳ, công ty này đã có 2.000 cửa hàng trên 30 thành phố tại Trung Quốc đại lục chỉ trong 14 tháng hoạt động, trở thành một con kỳ lân startup mới tại đất nước này.
Trong khi Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Starbucks sau Mỹ, nhưng để đạt được 3.600 cửa hàng tại 150 thành phố, thương hiệu cà phê này phải mất tới 13 năm mới đạt được quy mô như Luckin hiện nay. Kinh ngạc hơn, tốc độ tăng trưởng của Luckin chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong thời gian tới. Theo nhóm sáng lập công ty, Luckin đặt kế hoạch đạt 4.500 cửa hàng trên khắp Trung Quốc năm 2019 với doanh thu tính đến tháng 11-2018 đạt khoảng 2 tỉ đô la Mỹ.
Dù tới nay, vẫn khó có thể giải thích được sự thành công vượt bậc của startup cà phê này, song, giới phân tích cho rằng, công nghệ là lợi thế cốt yếu của họ với: ứng dụng Luckin; hệ thống phân phối; giá cả cạnh tranh. Khách hàng sẽ có được đồ uống miễn phí ngay khi download app của thương hiệu này, thức uống có thể được vận chuyển tới văn phòng hoặc nhà của khách hàng. Hơn nữa, Luckin chỉ chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử, rất phù hợp với giới trẻ nghiện công nghệ.
Căng thẳng gia tăng
Căng thẳng thương mại Mỹ Trung một lần nữa lại là lợi thế của Luckin. Bằng cách sử dụng chiến dịch quảng cáo thương hiệu Trung Quốc, do người Trung Quốc và cho khẩu vị của người Trung Quốc, Luckin đã kích hoạt được lòng yêu nước của khách hàng, khác biệt hẳn với thương hiệu Starbucks của Mỹ.
Với lợi thế khi các nhà sáng lập đồng thời cũng là những người đã từng vận hành nền tảng gọi xe ở Trung Quốc như Car Inc, cùng với cách vận hành hiệu quả, tiết kiệm không gian, rất dễ để hiểu tại sao thời gian giao hàng của Luckin chỉ mất 18 phút, làm thỏa mãn giới trẻ của quốc gia này.
Lợi thế về giá
Có lẽ giá cả đang là sự khác biệt lớn nhất giữa Luckin và Starbucks.
Trong khi trung bình một đồ uống cà phê của Starbucks có giá tối thiểu 35 MRB (tương đương 5 đô la Mỹ), nhưng giá của Luckin chỉ dao động khoảng 20-25 MRB, với 6 MRD phí giao hàng.
Luckin cũng thực hiện chiến dịch khuyến mại với chỉ khoảng 10 MRB cho mỗi ly cà phê. Với mức giá này, không đối thủ nào có thể cạnh tranh nổi. Dù giá cà phê tại Luckin biến động lớn do áp dụng chiến dịch quảng cáo, nhưng tính chung lại, giá đồ uống tại Luckin sẽ rẻ hơn từ 30-40% so với đồ uống cùng loại tại Starbucks. Hấp dẫn hơn, Luckin còn miễn phí ngay một đồ uống cho khách hàng giới thiệu bạn của mình download app của công ty.
Cả ba yếu tố này đang là điểm cộng thu hút giới trẻ và người dân thành thị của Trung Quốc, người luôn tìm tới sự tiện lợi cũng như giá cả cạnh tranh. Dù Starbucks đã có app tại thị trường Trung Quốc nhưng app này lại không bắt mắt cũng như chưa có được nhiều tính năng như của Luckin. Tương tự, Starbucks đã bỏ lỡ cơ hội trước làn sóng giao thực phẩm đang bùng nổ của Trung Quốc, rất có thể, Starbucks lại tiếp tục lỡ xu hướng vận chuyển trong lĩnh vực đồ uống của mình.