Thị trường bán lẻ chộn rộn trong đại dịch

Bà Nguyễn Thị Như Ngọc, Trưởng bộ phận Tiếp thị (marketing) của Kantar Worldpanel Việt Nam, công ty về nghiên cứu thị trường, trong buổi hội thảo trực tuyến về chủ đề “Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) dưới tác động của đại dịch Covid-19” diễn ra ngày 24-9, đã chỉ ra những chuyển động trên thị trường và đưa ra những khuyến nghị với doanh nghiệp.

Tiềm năng của mô hình cửa hàng chiết khấu và hàng nhãn riêng

Theo nghiên cứu của Kantar, dưới tác động của đại dịch, tình trạng thất nghiệp gia tăng đang và sẽ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và tìm đến hàng giảm giá, hàng nhãn riêng của các nhà bán lẻ. Điều này sẽ gây áp lực về biên lợi nhuận cho chính các nhà sản xuất ngành hàng FMCG. Tuy nhiên, nó tạo ra xu hướng tiềm năng về mô hình cửa hàng chiết khấu và hàng nhãn riêng.

Mô hình cửa hàng chiết khấu, chỉ chuyên bán các sản phẩm giảm giá mạnh, hiện đang tăng trưởng tốt trên toàn cầu. Nhà bán lẻ nổi tiếng ở mô hình cửa hàng này là ALDI của Đức đã thành công ở các thị trường châu Âu, có 10.000 điểm bán ở 20 nước, mới đây đã mở mới 2 cửa hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc. “Họ có thể mở rộng ở châu Á và rất có thể sẽ đến Việt Nam”, đại diện Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định.

Tất nhiên, theo bà Ngọc, với xu hướng kể trên của người tiêu dùng thì các nhà bán lẻ hiện có cũng có thể phát triển mô hình này.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ở ngành FMCG cũng cần chú ý đến “một thế lực” là hàng nhãn riêng của các nhà bán lẻ. Theo khảo sát của Kantar, trong 6 tháng đầu năm 2020, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, nhóm sản phẩm hàng nhãn riêng đạt mức tăng trưởng tới tăng 16%, cao hơn mức chung của toàn ngành FMCG (15%). Bên cạnh đó, tổng mức giao dịch cũng tăng 30% cùng kỳ.

Cũng theo đại diện Kantar Worldpanel Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới cũng đang và sẽ ghi nhận thêm những chuyển động mới.

Trong đó, đáng chú ý là cửa hàng ảo VinMart virtual 4.0, cho phép khách hàng mua hàng bằng cách quét mã QR qua điện thoại với hình ảnh sản phẩm trên các banner lớn đặt ở các khu vực công cộng như trạm xe, các tòa nhà văn phòng. Sau 2-4 giờ, họ có thể nhận được hàng (được giao tận nơi hoặc tự đến cửa hàng gần nhất để lấy hàng). Theo đó, nhà đầu tư của mô hình này là Vingroup đã chọn được 20 địa điểm tại Hà Nội và TPHCM để ra mắt cửa hàng ảo này.

Bên cạnh đó, ở kênh mua sắm trực tuyến (online), ngoài bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các website/app (ứng dụng) của các nhà bán lẻ thì bản thân các nhà sản xuất cũng đang đẩy mạnh việc bán trực tiếp đến người tiêu dùng qua website bán hàng riêng. Chẳng hạn như Unilever với website Ushop. Tất nhiên, kênh bán hàng này sẽ không cạnh tranh với những kênh hiện có và hướng tới mục tiêu lớn nhất là mang lại trải nghiệm đa kênh cho người tiêu dùng.

Sự chống chọi của người chơi cũ

Nghiên cứu của Kantar Worldpanel Việt Nam cũng cho thấy, kênh mua sắm truyền thống là tạp hóa vẫn giữ được thị phần lớn dù chịu áp lực cạnh tranh lớn từ kênh online hay kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini…).

Theo đó, kênh tạp hóa vẫn chiếm tới 50% thị phần ở thành thị và trong 6 tháng vừa qua, chi tiêu của người tiêu dùng qua kênh này không hề giảm, qua đó giúp tăng trưởng 9%, đóng góp 1/3 vào tổng tăng trưởng của ngành FMCG.

Việc duy trì được chỗ đứng này của tiệm tạp hóa là nhờ người kinh doanh rất nhanh nhạy. Họ đã sử dụng những nền tảng sẵn có như mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin miễn phí và điện thoại để bán hàng từ xa và giao hàng tận cửa.

Thêm vào đó, quan trọng nhất là họ có được lợi thế tiện lợi, giá tốt trong mắt khách hàng.

Trong nửa năm đầu 2020, kênh trực tuyến (online) đã tăng trưởng mạnh. Nhưng, trong tháng 6, kênh mua sắm này lại mất khách hàng vào những kênh khác. Điều này thể hiện ở việc người mua quay trở lại những kênh mua sắm truyền thống sau thời gian mua trên mạng.

“Điều này cần theo dõi thêm để trả lời chính xác nguyên nhân là gì. Tuy nhiên, nếu đúng như vậy thì kênh online đang có cơ hội cải thiện trải nghiệm để giữ chân người tiêu dùng”, đại diện Kantar bình luận.

Theo khảo sát, hiện kênh online đã tiếp cận được 56% người mua sắm ở thành thị. Như vậy, 44% người mua còn lại cần được khai thác. Tuy nhiên, 2/3 trong số này lại là người trên 50 tuổi. Do vậy, cần có chiến lược tiếp cận và khai thác.

(Theo Saigon Times)

Tin khác