Mặt trái của kinh tế tự do

Lao động tự do

Mohaan Biswas, 24 tuổi, làm nghề vận chuyển cho Deliveroo, một công ty khởi nghiệp về giao nhận hàng qua mạng ở London. Trong một lần vội vã để kịp thực hiện đơn hàng cho khách, anh đã bị ngã xe máy và gãy chân.

Do Công ty Deliveroo coi những người lái xe như Biswas là “lao dộng tự do”, vì vậy khi tai nạn xảy ra, anh không hề được hưởng chế độ nghỉ ốm, bảo hiểm, hay bất kỳ khoản trợ cấp nào. Vì không thể đi làm nên Biswas cũng không có thu nhập từ công việc trong suốt sáu tuần chờ chân hồi phục.

“Với những công việc bình thường, bạn có thể đàm phán với chủ sử dụng lao động, nhưng chúng tôi thì không thể làm được điều đó”, Biswas tâm sự với tờ The New York Times. Vì bức xúc, anh đã đi nạng tham dự cuộc biểu tình diễn ra ở trung tâm thủ đô London gần đây, để phản đối những dạng công việc bấp bênh, hoạt động trên nền tảng trực tuyến mà anh và nhiều người khác đang tham gia. “Chúng tôi mắc kẹt trong một hệ thống thiếu sự bảo đảm cho người lao động, nơi mà tất cả đều bị bóc lột”, anh nói.

Giống như Biswas, Farrar là một lái xe làm việc cho Uber, công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới. Lúc đầu, anh khá hào hứng với công việc vì giờ giấc linh hoạt, tiện lúc nào làm lúc đó. Nhưng dần dần, khi Uber thu hút được nhiều lái xe tham gia, thu nhập của Farrar giảm mạnh. Anh phải cố gắng làm nhiều thời gian hơn, có lúc lên đến 70 tiếng mỗi tuần, nhưng chỉ thu được khoản tiền ít ỏi.

Thậm chí sau đó, Farrar chỉ kiếm được chưa đầy 5 bảng Anh mỗi ngày (6,7 đô la), thấp hơn mức lương tối thiểu mà nhà nước quy định. Farrar đã bắt đầu thất vọng với khái niệm nền kinh tế tự do.

Cho đến một lần, trong khi đi làm, anh bị hành hung. Do Uber chỉ coi Farrar là lao động tự do, nên họ phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan.

Farrar liên lạc với luật sư và hỏi: “Họ làm vậy có đúng không. Họ không có tí trách nhiệm nào trong việc chăm sóc tôi hay sao?”. Anh nhớ mãi câu trả lời dứt khoát của luật sư: “Bạn không được tuyển dụng, vì vậy bạn sẽ không có bất cứ quyền lợi nào”.

Giờ đây, tại châu Âu đang bùng phát các phong trào nhằm thúc đẩy việc bảo vệ những lao động tự do và những người làm theo cách thức phi truyền thống, giống trường hợp của Biswas, hay Farrar.

Tận dụng kẽ hở

Thủ tướng Estonia, Juri Ratas, tại hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Âu tuần trước ở Tallinn, ca ngợi “nền kinh tế số” đang tạo ra “tăng trưởng kinh tế trị giá hàng tỉ euro, hàng triệu việc làm mới, có giờ làm việc linh hoạt và giúp người lao động cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống gia đình”.

“Ai lại không muốn điều đó chứ?” - ông đặt câu hỏi.

Các công ty như Uber và Deliveroo lâu nay được coi là những mô hình thành công như vậy. Họ và các công ty công nghệ tương tự nhận tiền hoa hồng từ thu nhập của người lao động, nhưng đồng thời chỉ coi những người tham gia mạng lưới là lao động tự do. Điều đó cho phép các công ty tránh phải trả các khoản tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp và các phúc lợi tại nơi làm việc khác.

Cách tiếp cận này đã giúp mang lại lợi nhuận. Nó đưa Uber thành một công ty khổng lồ trị giá hàng chục tỉ đô la.

Tuy nhiên, mô hình này bắt đầu vấp phải sự phản đối ngày càng dữ dội của người lao động. Điều này buộc chính phủ các nước phải nhìn nhận một cách kỹ lưỡng hơn.

Tháng trước, Cơ quan Quản lý giao thông London (TfL) đã từ chối gia hạn giấy phép hoạt động của Uber vì cho rằng công ty này không “thích hợp” để hoạt động trong thành phố.

Ủy ban châu Âu mới đây cũng ủng hộ đề xuất nhằm chống lại cái mà nhiều người gọi là “cuộc đua xuống đáy” về tiêu chuẩn xã hội cho người lao động. Những người lao động tự do, với thời gian làm việc cực kỳ linh hoạt và không có lương thông thường, đang chiếm khoảng một phần ba lực lượng lao động ở châu Âu. Họ không có giờ làm việc tối thiểu và lương tối thiểu.

Dự thảo nghị quyết của Ủy ban châu Âu vẫn đang được thảo luận, song được coi là một sự thay đổi bước ngoặt đối với các chính trị gia và cả các doanh nghiệp, những người lo ngại việc đưa ra quá nhiều quy định sẽ khiến châu Âu bị tụt hậu trong nền kinh tế toàn cầu, kìm hãm sự đổi mới, giảm tính cạnh tranh và cản trở tạo ra việc làm.

Tại Anh, các cơ quan chức năng gần đây đã tiến hành nghiên cứu tổng thể các hành vi làm việc hiện đại. Họ tập trung vào các công ty sử dụng lao động kiểu tự do, và kêu gọi khắc phục nhưng lỗ hổng pháp lý để người lao động có thêm nhiều quyền lợi, như kỳ nghỉ, nghỉ ốm đau, thai sản... trong nền kinh tế tự do.

Ở Pháp, mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron đang cố gắng sửa đổi luật lao động theo hướng kích thích nền kinh tế và khuyến khích một xu hướng tự do, song ông cũng đề xuất những quy định về đảm bảo an toàn tối thiểu, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp cho các lao động tự do.

Tòa án Tư pháp châu Âu năm nay dự kiến ​​sẽ phán quyết về một vụ kiện để quyết định xem Uber có nên được coi là một dịch vụ taxi, nghĩa là gắn với các quy tắc an toàn và tuyển dụng lao động nghiêm ngặt, hay chỉ đơn thuần là một nền tảng trực tuyến để kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu.

Cả Uber và Deliveroo đều đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý ở Anh. Năm ngoái, một tòa án Anh đã đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt, yêu cầu Uber phải coi các tài xế của mình là “nhân viên”, trả lương tối thiểu cho họ và cho người lao động được hưởng chế độ nghỉ phép.

Hai người lái xe của Uber, James Farrar và Yaseen Aslam, đã thay mặt một nhóm gồm 19 tài xế, kiện Uber vì cho rằng công ty đã phủ nhận trách nhiệm bảo vệ họ bằng cách gọi họ là lao động tự do. Uber dựa vào một luận cứ đã sử dụng nhiều lần, tại nhiều nơi trên thế giới: lái xe của họ là những “nhà thầu độc lập”.

Nhưng các thẩm phán đã bác bỏ lập luận này. “Quan điểm cho rằng Uber ở London là tập hợp của 30.000 doanh nghiệp nhỏ, được liên kết với nhau bởi một nền tảng chung trên mạng, theo chúng tôi là lố bịch” - tòa án Anh thẳng thừng tuyên bố trong phán quyết của mình.

“Các lái xe không và không thể thương lượng với hành khách”, các thẩm phán nói thêm. “Họ được cung cấp lịch trình và chấp nhận các chuyến đi theo đúng các điều khoản của Uber”.

Uber đã kháng cáo phán quyết này tuần trước, làm nổ ra cuộc biểu tình ở trung tâm London mà anh Biswas cũng tham gia.

Nếu phán quyết được duy trì, nó có thể đánh vào mô hình kinh doanh mà Uber, Deliveroo và các nền tảng trực tuyến tương tự đang thực hiện. Điều này có thể mang lại hai kết quả: hoặc là các công ty theo đuổi “kinh tế tự do” phải điều chỉnh lại hoạt động, hoặc họ sẽ giữ nguyên tắc và rời khỏi những quốc gia có những quy định cứng rắn.

Đã có những dấu hiệu cho thấy khả năng thứ hai sẽ xảy ra. Uber mới đây cho biết họ có kế hoạch rời khỏi thành phố Quebec vào tháng này nếu chính quyền địa phương ở đây thúc đẩy các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn cho người lái xe.

“Các công ty công nghệ đã tận dụng sơ hở của pháp luật và cho rằng đây là thế giới việc làm mới tuyệt vời. Song, sự thật là mọi người đang chứng kiến hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt” - Esther Lynch, thư ký Liên hiệp Công đoàn châu Âu, cho biết.

(Theo TBKTSG/ The New York Times)

Tin khác