Bà Châu Ngọc Hạnh, quản lý cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, cho biết trong hai năm trở lại đây, cửa hàng tiện lợi (CHTL) và siêu thị mini đang tăng trưởng tốt cả về lượng người đến mua, tần suất đến mua, số tiền chi tiêu cho kênh này.
Bài học ở Indonesia cho thấy với những mô hình bán lẻ hiện đại cỡ nhỏ thì tương lai chắc chắn người tiêu dùng (NTD) chuyển sang mua hẳn nhu yếu phẩm hằng ngày ở đây.
Từ gạo “xá” đến lục gia vị
Dễ dàng nhận thấy ở khu vực trung tâm thành phố là sự hiện diện của các CHTL mang thương hiệu ngoại như GS 25, 7Eleven, B’smart… Trong khi đó tại các khu dân cư, chợ, các CHTL Vissan, Satrafoods, VinMart+… mọc san sát nhau, bán các loại thực phẩm tươi sống cho bà nội trợ.
Tại Satrafoods trên đường Tùng Thiện Vương, quận 8, TP.HCM, dù đã có sẵn những bịch gạo đã được đóng sẵn, ở đây còn có hẳn riêng một “vựa” gạo các loại.
Bà Nguyễn Thị Hằng vừa nắm một vóc gạo ngửi vị thơm, ưng ý rồi tự tay múc gạo vào bao bì, ngang qua quầy thực phẩm sơ chế chọn một khay thịt gà ướp sẵn. Đến kệ rau củ lấy vội khay gia vị, trong đó có sẵn chanh, ớt, gừng, sả, tỏi.
Tỏ vẻ hài lòng, bà Hằng cho biết do ở nhà ít người, một khay đầy đủ gia vị các loại giá chỉ 10.000 đồng là quá rẻ vì tính ra mỗi thứ chỉ vài ngàn đồng. Việc đóng gói sẵn như vậy rất tiện lợi vì không phải di chuyển chọn mỗi loại gia vị cho vào trong mỗi bịch rồi đem đi cân... Cái hay là không phải lo lắng bị người bán không vui hoặc không bán nếu mua ớt, tỏi quá ít.
Dù không quá vội vàng, đến cửa hàng VinMart+ vào buổi chiều, bà Trần Thị Lệ (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết thường đến đây mua rau, trứng, trái cây… Gần đây thấy có bán thêm thịt heo đã pha lóc sẵn, hay một số thực phẩm chế biến sẵn như chả cá thấy rất thuận tiện và an tâm chất lượng. Thỉnh thoảng cửa hàng có khuyến mãi khi tích điểm… cũng gần giống như đi mua ở siêu thị.
Anh Nguyễn Văn Nam (quận 1, TP.HCM) kể có những ngày ăn sáng muộn, khoảng 14 giờ-15 giờ cần nạp một chút năng lượng. Và dù có thể đến các quán ăn nhưng gần chỗ làm có cửa hàng Cheer cũng có nhiều món ăn nhẹ, có nước uống và WiFi nên ngồi lại dùng bữa. Ngoài ra, trong một ngày đã uống hai, ba cữ ở quán cà phê rồi, muốn thay đổi không gian thì CHTL cũng là một địa chỉ dừng chân.
Theo anh Sơn (quận 3, TP.HCM), có những bữa trưa không muốn đi xa chỗ làm, anh cũng qua CHTL gần công ty mua đồ ăn thức uống. Giá không quá cao, vừa tiết kiệm thời gian di chuyển, có thể thoải mái ăn uống, thanh toán bằng thẻ tín dụng nên thấy rất thuận tiện.
Đặc biệt buổi tối muộn sau 10 giờ, khi các hàng quán xung quanh đã đóng, cũng có thể ghé vào nơi đây mua một ly mì nóng hổi.
Nhắm vào đối tượng khách hàng khác nhau
Thực tế cho thấy chuỗi CHTL của doanh nghiệp ngoại chuyên về phục vụ bữa ăn sẵn, CHTL của doanh nghiệp nội đã mang lại sự tiện lợi cho NTD một cách “thực chất” hơn khi cung cấp thực phẩm sơ chế sẵn, bà nội trợ mua về là có thể nấu ngay.
Theo bà Châu Ngọc Hạnh, quản lý cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, mỗi chuỗi CHTL nhắm vào đối tượng khác nhau, đi vào phục vụ chuyên sâu như Co.op Food, Satrafoods, VinMart+ nhắm tới bà nội trợ nên thế mạnh là rau củ, thịt, cá… Với chuỗi FamilyMart, Circle K…đối tượng nhắm đến là dân văn phòng, sinh viên, học sinh nên danh mục hàng hóa điều chỉnh phù hợp.
Mặt khác, bà Hạnh chỉ ra “sự tiện lợi” nằm ở giá trị chứ không phải mô hình của nó là CHTL hay siêu thị mini… Có thể thấy rõ nhất trong dịp Tết vừa qua, các CHTL đều mở cửa xuyên Tết trong khi những năm trước thì phải đến mùng 3 các CHTL mới mở cửa lại. Điều này cho thấy chính là do nhu cầu từ NTD.
Trong khi đó, ông Hồ Minh Chính, Giám đốc Trung tâm Đào tạo KAS, nhìn nhận các chuỗi CHTL đã hiểu nhu cầu và xu hướng của khách hàng, mục tiêu quá rõ, họ tạo ra xu hướng tiện lợi để kéo khách hàng đến với mình. Nghĩa là các CHTL đã đem lại sự tiện lợi “thực chất” hơn trước đây để cạnh tranh.
Cuộc chiến công bằng
Theo bà Hạnh, thị phần phụ thuộc vào doanh số của ngành hàng đó. Đối với thực phẩm thì NTD chọn nguồn gốc từ Việt Nam. Nhà bán lẻ nhập hàng dựa trên việc sản phẩm đó có bán chạy hay không, số lượng cửa hàng chỉ là một phần có thể ước tính thị phần.
Người quyết định thị phần không phải là kênh phân phối, nhà bán lẻ mà là NTD, nhưng không thể bỏ qua nhà bán lẻ, kênh phân phối. Quan trọng nhất là nhà bán lẻ nào hiểu NTD hơn và biết nhu cầu của NTD trong 24 giờ/ngày như thế nào…
Chẳng hạn, sau 17 giờ NTD cần thư giãn, xả stress một chút cùng nhâm nhi cái gì đó ngọt; bữa trưa NTD cần bữa ăn có sẵn; buổi sáng là thức ăn sáng và đâu là khẩu phần cân đối dinh dưỡng nhất...
NTD ưu tiên chọn hàng hóa xuất xứ Việt Nam, vậy doanh nghiệp Việt có nên lạc quan khi đã am hiểu NTD Việt?
Ông Chính cho rằng để hiểu nhu cầu NTD địa phương hay không thì doanh nghiệp ngoại hay Việt đều làm được. Các doanh nghiệp Việt chưa chắc đã hiểu rõ nhu cầu người Việt vì không có tiêu chí khảo sát rõ ràng, làm việc cảm tính.
Trong khi đó, doanh nghiệp ngoại có kinh nghiệm kinh doanh nhiều nước trên khu vực và thế giới, có phương pháp, có tiêu chí khảo sát rõ ràng, có tiềm lực mua thông tin và dữ liệu để định lượng cụ thể các thông tin. Đưa ra chiến lược, chiến thuật kinh doanh hiệu quả có khả năng cạnh tranh cao.
“Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn hạn chế là tư duy kinh doanh vẫn còn manh mún và thiếu sự minh bạch. Các chính sách, chế độ động viên chưa chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp không cao nên khả năng cạnh tranh lâu dài chưa thể lại các doanh nghiệp ngoại.
Bà Hạnh nêu quan điểm: Bất kể mô hình kinh doanh nào, đến từ quốc gia nào nếu muốn tồn tại được thì doanh nghiệp phải luôn tìm hiểu ai là người đến mua hàng, NTD cần gì.
“Doanh nghiệp Việt có lợi thế hiểu NTD Việt, hiểu hành vi, thói quen… và chúng tôi nhận thấy đây là cuộc chiến công bằng. Và với lợi thế đó, doanh nghiệp Việt tiếp tục có thể học hỏi những quy trình vận hành chuyên nghiệp từ doanh nghiệp nước ngoài” - bà Hạnh nói.
Doanh nghiệp nội tăng tốc mở cửa hàng ngoại ô
Hiện nay Tập đoàn Vingroup phát triển hơn 1.200 CHTL trên toàn quốc, trong hai năm tới dự kiến sẽ có 4.000 CHTL phủ khắp cả nước.
Năm 2018, Satra tập trung đẩy mạnh phát triển thêm 60 cửa hàng không chỉ tại TP.HCM mà mở rộng đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, nâng tổng số cửa hàng tiện lợi lên 217 cửa hàng. Hiện SatraFood đã mở 23/24 quận, huyện ở TP.HCM, trong đó hơn 1/3 số cửa hàng ở khu vực vùng ven và ngoại thành.
Tương tự, tính đến nay chuỗi Bách hóa XANH mở 405 cửa hàng. Trong bốn tháng cuối năm, Bách hóa XANH sẽ đẩy mạnh mở mới hướng đến mục tiêu 500 cửa hàng, chủ yếu tại khu vực phía Đông: quận 2, quận 9, quận Thủ Đức; phía Nam: quận 4, quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và các tỉnh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang.
Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý I-2018 của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho thấy ở TP.HCM có hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Tổng diện tích của các cửa hàng này đạt 272.000 m2 sàn toàn thành phố, tăng 5,1% so với quý trước.
Trong khi đó, theo tổ chức nghiên cứu thực phẩm quốc tế IGD, Việt Nam, Philippines, Indonesia là ba thị trường hấp dẫn đối với các ông lớn trong ngành công nghiệp CHTL. Dự báo mức tăng trưởng của CHTL ở Việt Nam 2017-2021 là 37,4%, Philippines là 24,2%, Indonesia là 15,8%.
( Theo PLO )