Hóa đơn điện tử: Có lợi nhưng doanh nghiệp vẫn còn e dè

"Chị ơi, bên em hiện đã sử dụng hóa đơn điện tử nên chị cho em xin địa chỉ e-mail để ngày mai em gửi hóa đơn đến chị. Bọn em không còn sử dụng hóa đơn giấy như trước đây nữa nên chị không thể nhận ngay bây giờ. Mong chị thông cảm!”. Mới đây, khi đi tiếp khách tại một nhà hàng ở quận 3, TPHCM, chị Uyên, nhân viên truyền thông một công ty đã nhận được thông tin như vậy khi yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng VAT cho bữa ăn gần 3 triệu đồng. Với chị Uyên, đây là một thông tin vui vì chị không còn lo làm mất hóa đơn giấy như đã từng gặp.

Một bộ phận doanh nghiệp rục rịch chuyển đổi

Nhân viên thu ngân của nhà hàng kể trên cho biết, dù kinh doanh đã lâu với pháp nhân doanh nghiệp nhưng nhà hàng chỉ mới sử dụng hóa đơn điện tử cách đây gần một tháng. Sự thay đổi này có lý do là thực hiện theo quy định của ngành thuế về việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy.

Quy định mà nhân viên này nhắc đến chính là Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ do Chính phủ ban hành ngày 12-9-2018 và bắt đầu có hiệu lực từ 1-11-2018. Theo đó, điều 12 của Nghị định nêu rõ, các doanh nghiệp, tổ chức sẽ áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc không có mã khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ mà không phân biệt giá trị từng lần bán (trước đây là trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng).

Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Ngược lại, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức có sự rủi ro cao về thuế thì sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Đồng thời, các hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 người lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ ba tỉ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ mười tỉ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Riêng các hộ cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng ở một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm sẽ triển khai trên toàn quốc.

Các hộ, cá nhân kinh doanh không áp dụng hóa đơn điện tử nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh.

Trước Nghị định 119 này, việc áp dụng hóa đơn điện tử được chia thành hai dạng. Một là doanh nghiệp tự áp dụng nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư 32/2011 (hiệu lực từ 5 -2011). Hóa đơn điện tử tại thời điểm này tồn tại song song với các loại hóa đơn giấy được doanh nghiệp đặt in, tự in. Hai là các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Theo cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí in ấn, sao lưu, lưu trữ; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh. Tất nhiên, trong điều kiện thông tin chưa kết nối, một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về việc không được cơ quan khác như quản lý thị trường, cảnh sát giao thông chấp nhận hóa đơn điện tử khi hàng hóa vận chuyển trên đường hay chưa thể áp dụng với các khách hàng ở vùng sâu, xa.

Trao đổi với TBVTSG, đại diện một doanh nghiệp làm dịch vụ tư vấn thuế cho biết, sau khi Nghị định 119 được ban hành, nhiều khách hàng của công ty này  bắt đầu tìm hiểu về hóa đơn điện tử và có ý định chuyển đổi.

Ngoài chuyện thực hiện do đây là yêu cầu bắt buộc của cơ quan chức năng thì nhiều doanh nghiệp còn tỏ ra hào hứng về việc chi phí hóa đơn điện tử được cắt giảm nhiều lần so với hóa đơn giấy và khá tiện lợi khi sử dụng. Đặc biệt là tránh được nguy cơ mất hóa đơn vì nhiều lý do khách quan và bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính như sử dụng hóa đơn giấy lâu nay. Tuy nhiên, đây chủ yếu là các đơn vị đã hoạt động kinh doanh trong thời gian dài, có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh và hướng đến việc làm ăn lâu dài. Ngược lại, các doanh nghiệp mới kinh doanh lại tỏ ra e ngại với lý do chưa quen việc sử dụng công nghệ và “chưa biết chính sách sẽ còn thay đổi như thế nào”. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn lo lắng rằng cơ quan thuế áp dụng hóa đơn điện tử nhưng các cơ quan quản lý khác như quản lý thị trường hay cảnh sát giao thông lại chưa thực hiện đồng bộ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Công ty cổ phần Xôi Việt, cho rằng tâm lý của nhiều doanh nghiệp hiện nay là đợi đến thời điểm cuối cùng bắt buộc áp dụng mới chuyển đổi. “Lý do là càng chậm chuyển đổi bao nhiêu thì càng trì hoãn được sự quản lý chặt của cơ quan thuế bấy nhiêu. Hóa đơn điện tử tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng là cách bịt kẽ hở với những doanh nghiệp làm ăn chưa thực sự tuân thủ tốt”, chị Nhung nhận xét.

Cuộc đua của những nhà cung cấp hóa đơn điện tử

Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua mà chưa được cơ quan thuế cấp mã, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi gửi cho người mua, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Nghị định 119 được coi là một cú hích cho thị trường cung ứng phần mềm, dịch vụ hoá đơn điện tử. Chính vì vậy, tại thời điểm hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ này đang tung ra nhiều sản phẩm, sự ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.

Dạo quanh một vòng thị trường, hiện có nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp quảng cáo khá hấp dẫn. Công ty cổ phần Misa hiện đang giới thiệu phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.vn tích hợp ngay trên phần mềm kế toán với tính năng nổi trội là sản phẩm có áp dụng công nghệ Blockchain (hiểu như một cuốn sổ cái, ghi nhận toàn bộ trạng thái và cập nhật đầy đủ thông tin về hóa đơn cho các bên tham gia đều có thể kiểm tra và xác thực thông tin), bảo đảm tính an toàn, minh bạch và tin cậy. Hiện tại, Misa còn áp dụng chương trình ưu đãi dành cho khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử như tặng thêm số hóa đơn hoặc hỗ trợ chi phí… Trong khi đó,

Công ty cổ phần Bkav vẫn tiếp tục giới thiệu về eHoadon với tính năng dễ sử dụng, dễ khởi tạo trên môi trường trực tuyến, không cần cài đặt phần mềm…

Chia sẻ với TBVTSG, bà Đồng Thị Như Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Tư vấn thuế Việt Nam (VTAX), cho biết VTAX Corp cũng vừa thành lập thêm một công ty con hoạt động trong lĩnh vực hóa đơn điện tử để đáp ứng nhu cầu của thị trường sau khi Nghị định 119 ra đời. Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Giải pháp điện tử VTAX đã chuẩn bị những sản phẩm và cơ sở hạ tầng công nghệ để sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Theo đó, mỗi khách hàng khi mua sản phẩm dịch vụ sẽ được cấp một tài khoản để đăng nhập vào hệ thống, khởi tạo và xuất hóa đơn trực tuyến. Điều này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho phần mềm và đào tạo cách sử dụng. “Nếu như chi phí in năm cuốn hóa đơn, mỗi cuốn 250 số hiện nay khoảng 900.000 đồng thì sử dụng hóa đơn điện tử, cũng với số tiền đó, khách hàng có thể có từ 1.000 đến 2.000 số. Tính ra, chi phí đang rẻ hơn ít nhất bốn lần”, bà Anh nói.

Tuy nhiên, theo bà Anh, bản thân các doanh nghiệp cung ứng phần mềm, dịch vụ hóa đơn điện tử đang gặp một số vướng mắc. Nguyên nhân là quy định về điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp cung ứng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119 đã thay đổi so với quy định hiện hành (Thông tư 32/2011).

Theo đó, điều 32 của Nghị định này quy định, đơn vị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ truyền, nhận dữ liệu hóa đơn phải là doanh nghiệp có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng (ngân hàng) để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ. Đồng thời phải có hệ thống thiết bị, kỹ thuật phải bảo đảm cung cấp dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng hóa đơn điện tử và bảo đảm kết nối an toàn với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần, trừ thời gian bảo trì; có năng lực, khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng để bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia.

Bà Anh cho biết, quy định trong Nghị định 119 như trên thắt chặt hơn hẳn so với trước đây (vốn khá dễ dàng) khi yêu cầu phải có chứng minh năng lực tài chính, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, quy định hiện còn chung chung, chưa có con số, tiêu chí rõ ràng nên doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi để hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử. “Từ nay đến thời điểm Nghị định 119 có hiệu lực chỉ còn chưa tới nửa tháng nhưng thông tư hướng dẫn cho nghị định này vẫn chưa được ban hành.

Chúng tôi vẫn đang chờ đợi để có thể cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng”, bà Anh nói.

Cho đến thời điểm hiện tại, theo bà Anh, con số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử đăng ký lại với cơ quan thuế, đáp ứng tiêu chí của Nghị định 119 hiện giảm khá nhiều so với số lượng công ty trong lĩnh vực này trước đây. Bà Anh cho rằng, sẽ có nhiều đơn vị phải sáp nhập do không đáp ứng điều kiện hoạt động. Và do vậy, các doanh nghiệp khi có nhu cầu chuyển đổi sang hóa đơn điện tử cũng cần tìm đúng nhà cung cấp dịch vụ đã được cấp phép.

(Theo TBVTSG)

Tin khác