Tấp nập thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến

Anh Minh, chủ cửa hàng bánh cuốn Cao Bằng ở ngõ 34 phố Nguyên Hồng, quận Ba Đình, Hà Nội đã biến cửa hàng bánh cuốn nhỏ nằm sâu trong ngách của đường Nguyên Hồng thành một điểm hàng ăn nhiều người biết đến nhờ Internet. Là người gốc Cao Bằng và đã có rất nhiều năm làm trong lĩnh vực ăn uống ở Hà Nội với cương vị là quản lý nhà hàng, anh Minh cho biết đã chọn mở cửa hàng nhỏ trong ngách sâu vì tiền thuê mặt bằng thấp nhưng anh đã có cách để quảng bá cho cửa hàng của mình, như đăng quảng cáo trên mạng Internet, đăng ký dịch vụ bán hàng qua các nền tảng ứng dụng giao thức ăn như Now.vn, GrabFood... Đến nay, phần lớn số đơn hàng mua bánh cuốn Cao Bằng của anh Minh đến từ các kênh ứng dụng này và nhiều nhất là qua Now.vn.

Không chỉ anh Minh mà nhiều chủ cửa hàng trước đây chỉ bán thức ăn cho những cư dân địa phương, nhờ các ứng dụng giao nhận điện tử mà gia tăng doanh số bán hàng.

Chủ cửa hàng Phở xào 206, phố Khâm Thiên, Hà Nội cho biết cửa hàng này vốn dĩ rất đông khách và lúc nào cũng kín chỗ ngồi. Tuy nhiên, theo xu thế bán hàng trực tuyến nhằm quảng bá rộng rãi món ăn của cửa hàng đến nhiều người, chủ cửa hàng này cũng đăng ký cung ứng thức ăn của cửa hàng qua ứng dụng GrabFood. Kết quả là cửa hàng trong thời gian qua đã phải tuyển dung thêm nhiều nhân viên mới đáp ứng nổi nhu cầu đặt mua phở gia tăng qua ứng dụng. Nhờ đó, doanh số bán hàng của cửa hàng cũng tăng mạnh, cửa hàng có thêm nhiều thực khách.

Giúp gia tăng doanh số bán hàng

Dịch vụ giao nhận thức ăn, đồ uống GrabFood thuộc Grab ở Hà Nội đã bước vào tháng thứ 3 kể từ khi thử nghiệm trong tháng 9. Rất nhiều cư dân Hà Nội đã quen với sự tồn tại của loại hình dịch vụ này. Họ ngồi ở nhà, cơ quan, truy cập phần mềm Grab hay Now để đặt đồ ăn và đợi tài xế xe máy mang đồ ăn đến tận nơi. Họ đặt món ở cả những quán có tiếng là ngon nhưng trước đây vì đi lại khó khăn, như ngược đường đi hay bị kẹt xe mà đành chịu nhịn. Nhờ dịch vụ này mà khách hàng được thưởng thức các món yêu thích và các cửa hàng, nhất là những hàng quán trong ngõ ngách, nơi ít người biết tới có thêm nhiều thực khách, bán được nhiều hàng hơn. Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam, cho biết hiện số khách đặt hàng và các cửa hàng tham gia bán hàng trên GrabFood tăng rất nhanh, gấp vài lần sau mỗi tháng.

Thực tế cho thấy, thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đã hình thành từ vài năm nay với sự tham gia của Vietnammm.com - một trong những trang web có tiếng về mảng đặt thức ăn trực tuyến - do doanh nghiệp khởi nghiệp Hà Lan takeaway.com đầu tư hay Now.vn đã được tập đoàn Sea của Singapore mua lại 82% số cổ phần vào năm 2017… và gần đây là GrabFood của Grab.

Now được cho là ứng dụng có độ phủ rộng nhất trên toàn quốc cho đến thời điểm này vì ngoài Hà Nội và TPHCM ứng dụng này còn cung cấp dịch vụ tại Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Nghệ An, Bình Dương. Tất nhiên các ứng dụng khác trong lĩnh vực này cho biết sẽ mở rộng ra nhiều thành phố trên cả nước… trong một khoảng thời gian nữa.

Grab có lợi thế là một nền tảng ứng dụng gọi xe công nghệ với ban đầu chỉ cung cấp dịch vụ kết nối tài xế chuyên chở người bằng ô tô, xe máy với lượng người sử dụng thường xuyên lên đến 20% dân số Việt Nam. Việc Grab tung ra GrabFood cùng với các chương trình kết nối với đa dạng cửa hàng ăn, nhà hàng, hợp tác với các ví điện tử để hỗ trợ việc thanh toán điện tử theo hướng thuận lợi hơn cho người tiêu dùng cũng như nhiều chương trình khuyến mãi, tích điểm thu hút khách hàng. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để cho thị trường bùng nổ.

Dù vậy, các công ty hoạt động mạnh trong thị trường giao đồ ăn đều dưới quyền điều hành của các tập đoàn nước ngoài. Loship là một trong số ít những công ty Việt Nam trong ngành dịch vụ giao nhận đồ ăn thức uống và đã tham gia xử lý cho hơn nửa triệu đơn hàng của 5 triệu người sử dụng, có hơn 15.000 đối tác cửa hàng ăn uống và 2.000 tài xế giao hàng.

Nhà nhà háo hức

Khi mà phần lớn các dịch vụ giao thức ăn trực tuyến hoạt động tại hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội tiếp cận được nhu cầu ngày càng cao, các nhà cung ứng có liên quan từ cửa hàng bán bánh cuốn trong ngách như anh Minh ở Hà Nội cho đến các tài xế giao hàng, nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng giao nhận thức ăn, ví điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử đều thấy hào hứng.

Các điều kiện để dịch vụ giao nhận ở lĩnh vực này ở các thành phố lớn thật sự đa dạng, phong phú, ví dụ khả năng cung cấp món ăn là rất lớn, nhu cầu mua sử dụng cũng rất cao, giá cả món ăn và dịch vụ đi cùng cũng được cung cấp với sự cạnh tranh cao. Nói vắn tắt là thị trường cung-cầu này “như cá gặp nước” sôi động hơn bao giờ hết và nhiều dịch vụ giao nhận thức ăn ra đời đã gỡ bỏ xa, khó đi của người tiêu dùng mối e ngại vì đường lâu nay. Trong khi, sự sẵn lòng chi tiền để ăn ngon ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở TPHCM dường như là không có giới hạn.

Một trong những lý do rất “nặng ký” nữa là với dịch vụ giao hàng truyền thống, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối (nền tảng ứng dụng) chỉ được nhận một lần phí giao hàng và chia tỷ lệ với tài xế. Còn với dịch vụ giao đồ ăn, các ứng dụng được “ăn” nhiều hơn: được chia cả phí giao hàng (cùng chia tỷ lệ với tài xế) và ăn chia doanh thu bán hàng với các cửa hàng (15-25%).

Theo dự báo của Euromonitor, tại châu Á, ngành này đã đạt được sự tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Tại Việt Nam, thị trường đặt món hiện có giá trị khoảng 33 triệu đô la Mỹ và có thể đạt đến hơn 38 triệu đô la Mỹ vào năm 2020.

(Theo TBVTSG)

Tin khác