Ryu Han-na, sinh viên đại học 20 tuổi ở Soeul, quyết định sửa mũi vào giữa tháng 12/2020 với lý do đơn giản là không bị ai chú ý trong bối cảnh Covid-19 khiến ai cũng đeo khẩu trang khi ra đường. Ngoài ra, thời gian chỉ tham gia các khóa học trực tuyến tại nhà giúp cô phục hồi sau thẩm mỹ.
"Tôi luôn muốn đi làm mũi từ lâu rồi. Tôi nghĩ tốt nhất là nên làm ngay bây giờ trước khi mọi người bắt đầu tháo khẩu trang khi vaccine Covid-19 được phân phối rộng rãi vào năm 2021", Ryu chia sẻ.
Ngay cả khi không có dịch, Hàn Quốc cũng đã là cái nôi của thế giới về phẫu thuật thẩm mỹ. Đại dịch càng thúc đẩy nhu cầu phẫu thuật thẩm Mỹ ở Hàn Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2020. Theo Reuters, ngành này ước tính trị giá khoảng 10,7 tỷ USD vào năm 2020, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến đạt khoảng 11,8 tỷ USD trong năm nay, theo Gangnam Unni, nền tảng phẫu thuật thẩm mỹ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc.
Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho biết khách hàng chủ yếu chỉnh sửa các bộ phận trên khuôn mặt gồm: mũi, môi, trán... Park Cheol-woo, bác sĩ phẫu thuật tại Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ WooAhIn, người tư vấn cho Ryu, cho biết: "Các câu hỏi tư vấn về việc phẫu thuật các bộ phận như mắt, lông mày, sống mũi và trán là nhiều nhất".
Bác sĩ phẫu thuật Shin Sang-ho, người điều hành Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Krismas ở trung tâm quận Gangnam, Seoul, cho hay nhiều người thậm chí chi tiền hỗ trợ khẩn cấp do ảnh hưởng của Covid-19 từ chính phủ để phẫu thuật thẩm mỹ, thúc đẩy doanh thu trong quý III và IV năm 2020.
"Tôi cảm thấy việc này giống như kiểu chi tiêu trả thù. Tôi cảm nhận được rằng khách hàng đang thể hiện những cảm xúc dồn nén của họ do Covid-19 bằng cách thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ", bác sĩ Shin nói.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy trong 14,2 nghìn tỷ won (12,95 tỷ USD) tiền hỗ trợ từ chính phủ, 10,6% được sử dụng trong các bệnh viện và nhà thuốc, đứng thứ ba trong danh sách chi tiêu sau siêu thị và nhà hàng. Dữ liệu của Gangnam Unni cho thấy người dùng của họ đã tăng 63% so với một năm trước đó lên khoảng 2,6 triệu vào năm ngoái. Người dùng nền tảng phẫu thuật thẩm mỹ này đã yêu cầu 1 triệu buổi tư vấn, gấp đôi so với một năm trước.
Đại dịch cũng khiến việc quảng bá dịch vụ thẩm mỹ cho khách hàng nước ngoài trở nên khó khăn hơn, vì vậy trong năm 2020, các bệnh viện thẩm mỹ ở Hàn Quốc đã tập trung lôi kéo khách hàng nội địa khiến nhu cầu trong nước tăng mạnh.
Tuy nhiên hiện Hàn Quốc đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba khi quốc gia này báo cáo số lượng các ca nhiễm tăng đột biến. Ngành phẫu thuật thẩm mỹ vì thế cũng trở nên ảm đạm hơn hồi cuối năm ngoái.
"Chúng tôi thấy số lượng khách hủy hẹn tư vấn thẩm mỹ trong thời gian gần đây tăng vọt khi nhiều người lo ngại lây nhiễm nCoV và hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đặc biệt là khách hàng từ các vùng ngoại ô. Hầu hết các cuộc hẹn phẫu thuật của họ đều là thời điểm đầu năm 2021", Park Cheol-woo cho hay.