Thông tin trên nằm trong nội dung khảo sát mức sống dân cư năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người một tháng của cả nước năm 2020 đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019 do ảnh hưởng Covid-19.
Khảo sát cũng cho thấy, giai đoạn từ 2010-2020, lượng gạo tiêu thụ trên mỗi đầu người bình quân cả nước đã giảm mạnh. Trong khi đó, sức tiêu thụ thực phẩm, bia và nước giải khát lại tăng.
Cụ thể, lượng gạo tiêu thụ bình quân mỗi người một tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg năm 2010 xuống còn 8,1 kg năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg một người một tháng năm 2020.
Ở chiều ngược lại, lượng thịt tiêu thụ đã tăng từ 1,8 kg một người một tháng năm 2010 lên 2,3 kg năm 2020. Tiêu thụ trứng trong năm ngoái cũng tăng và là mặt hàng được các hộ gia đình ưa chuộng để bổ sung dinh dưỡng khi phải thực hiện các đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Với rượu bia, mức tăng từ 0,9 lít một người một tháng năm 2018 lên 1,3 lít trong năm 2020.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hầu hết lượng tiêu thụ thực phẩm, rượu bia và nước giải khát của nhóm hộ gia đình khá giả luôn cao hơn so với nhóm hộ nghèo. Sự cách biệt giữa thu nhập và mức sống giữa thành thị và nông thôn giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng vẫn còn cao.
Cụ thể, báo cáo cho biết thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt trên 5,5 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (ở mức gần 3,5 triệu đồng). Do vậy, đây là vấn đề đòi hỏi nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết.
Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia kinh tế ở TP HCM cho rằng, để cải thiện mức thu nhập và mức sống của người dân khu vực nông thôn, nhà quản lý cần hoạch định cho người dân các vùng này dịch chuyển sản xuất để phù hợp với xu hướng. Với các khu vực trồng lúa gạo nhiều cần quy hoạch lại, giảm diện tích trồng lúa thay vào đó canh tác các mô hình khác để tăng thu nhập.
Theo Tổng cục Thống kê, khảo sát mức sống dân cư năm 2020 là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê cho các cấp, ngành để đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều.
Khảo sát này được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm gần 47.000 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.