Theo công văn khẩn được Phó chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Hòa Bình ký ngày 7-9 thì chính quyền thành phố cho phép các quán ăn, nhà hàng… cung cấp dịch vụ ăn uống được hoạt động 6-18h mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến với đối tác giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận có ứng dụng công nghệ (shipper), đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở này cũng phải đảm bảo hoạt động “3 tại chỗ", tức mọi nhân sự làm việc đều phải ăn, ngủ, nghỉ tại nơi làm việc, người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống Covid-19 và xét nghiệm âm tính với nCoV, hai ngày một lần.
Cùng với đối tượng này, UBND TPHCM cũng cho phép các cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) hoạt động với các điều kiện kèm theo tương tự.
Các cơ sở nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện để được cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21/8 của UBND TP HCM. Các chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra, giám sát các phường, xã, thị trấn trong việc xác nhận trường hợp đủ điều kiện được phép hoạt động kinh doanh.
Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, shipper hoạt động trong phạm vi một quận, huyện; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế hoạt động 6h-21h để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh.
Như vậy, sau 2 tháng tạm dừng, từ 9-7, TPHCM đã cho phép dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại. Đây là một tin vui với các chủ cửa hàng, quán ăn, nhà hàng vốn đang rất khó khăn thời gian qua. Tuy nhiên, việc hoạt động có điều kiện cũng đặt ra những yêu cầu đáp ứng với các chủ kinh doanh, phát sinh một số chi phí như ăn ở của nhân viên, xét nghiệm. Bên cạnh đó, cũng có một mối lo lớn là đảm bảo nguồn nguyên liệu để phục vụ kinh doanh trong bối cảnh đi lại, mua sắm còn khó khăn và giá của một số loại thực phẩm tăng do nguồn cung đứt gãy thời gian qua.
Hy vọng có nhiều chủ kinh doanh có thể đáp ứng và khắc phục khó khăn để hoạt động trở lại, cải thiện dòng tiền, vượt qua đại dịch.