Hôm nay, 22/9, Be Group phát đi thông báo, từ 24/9, ứng dụng này phối hợp với đối tác để xét nghiệm cho các tài xế. Phương án thực hiện của Be là phối hợp với chính quyền địa phương và đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho tài xế của ứng dụng. Các tài xế được xét nghiệm trong cả ngày và có kết quả sau 15 - 30 phút, nhận kết quả trực tuyến, không cần in kết quả.
Quy trình xét nghiệm này được khẳng định đã được thiết kế và quản lý bằng nền tảng công nghệ của Be, giảm thiểu các thủ tục như xếp hàng, đăng ký. Toàn bộ khâu lấy mẫu xét nghiệm chỉ mất 1 phút/người, giúp tiết kiệm thời gian cho tài xế.
Các tài xế cũng thực hiện thanh toán trực tuyến thông qua ngân hàng số Cake by VP Bank với chi phí được khẳng định là hợp lý. Nơi xét nghiệm là các bệnh viện, cơ sở y tế được được cập nhật trên ứng dụng "Y TẾ HCM" của Sở Y tế và cũng được cập nhật trực tiếp cho tài xế.
Theo Be, mô hình xét nghiệm này do Be Group thiết kế, kịp đưa vào vận hành từ ngày 24.9 như yêu cầu của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, hàng loạt các ứng dụng khác đều cho biết vẫn đang tính toán để giải quyết yêu cầu này. Theo Vnexpress, Grab và ShopeeFood đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có phương án tổ chức và hoạt động phù hợp. Lãnh đạo Loship và AhaMove cho hay đang họp khẩn để thống nhất cách thức triển khai.
Trao đổi với Franchising, đại diện Gojek cho biết đang gặp khó khăn trong việc thực hiện do các doanh nghiệp gọi xe công nghệ hoàn toàn không có chuyên môn về y tế để thực hiện việc test nhanh COVID-19 và lo ngại có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test, có khả năng để sót F0 hoặc xác định nhầm F0. Doanh nghiệp cũng không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm cho hàng chục ngàn tài xế nên khả năng tài xế sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn, gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội.
Phía Gojek cũng lo ngại, khi hiệu quả xét nghiệm thấp, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Việc này trong bối cảnh nhu cầu giao hàng của người dân đang rất cao sẽ dẫn đến việc đứt gãy vận chuyển, giá cả dịch vụ tăng cao. Trong khi đó, sinh kế của các shipper sẽ bị ảnh hưởng, tạo thêm áp lực cho thành phố trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Chính vì vậy, Gojek đề xuất cho xét nghiệm 3 ngày/một lần. Với tần suất này thì 400 trạm lưu động hiện có làm việc trong khung giờ từ 6 giờ đến 21 giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm nếu được điều phối tốt. Các doanh nghiệp gọi xe công nghệ sẽ chung tay cùng các cơ quan chức năng để ứng dụng công nghệ vào việc điều phối tài xế, giảm tải cho một số cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, việc giảm tần suất xét nghiệm cũng xuất phát từ việc các tài xế đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi.
Đơn vị này cũng kiến nghị, các shipper tiếp tục được xét nghiệm miễn phí cho đến hết ngày 30/9/2021. Nếu không, đây sẽ là một gánh nặng chi phí lớn cho doanh nghiệp khi hầu hết các hoạt động của chúng tôi đều gần như ngưng trệ trong thời gian qua.
Trước đó, UBND TPHCM yêu cầu từ 24 đến 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ phòng chống dịch.
Yêu cầu này thay đổi hoàn toàn so với trước đây khi các shipper của các ứng dụng được xét nghiệm mẫu gộp miễn phí tại các trạm y tế lưu động.
Trong những ngày gần đây, khi số lượng shipper đăng ký hoạt động trở lại tăng đột biến, từ 20.000 lên 82.000 người thì việc lấy mẫu xét nghiệm bị quá tải.
Việc xét nghiệm cho shipper sau 30/9 cũng chưa được cơ quan chức năng công bố.