Sáng nay (30-8), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức CUTS International (www.cuts-international.org) của Ấn Độ tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Nền kinh tế số: Lợi ích, thách thức và khung pháp lý điều chỉnh” tại TPHCM.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, luật sư… đã nói nhiều về sự chuyển đổi rất nhanh của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, dẫn tới một số quy định pháp luật đã không theo kịp. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường kỹ thuật số có thể gặp khó khăn khi áp dụng mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam.
Theo bà Phạm Quế Anh, đại diện Tổ chức CUTS International tại Việt Nam, nền kinh tế số bao gồm việc áp dụng các công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing)… cũng như hoạt động của các nền tảng kỹ thuật số trên máy tính, thiết bị di động. Yếu tố công nghệ trong nền kinh tế số đã chạm tới hầu hết các lĩnh vực như giao thông vận tải, bán lẻ, nông nghiệp…
Bà Quế Anh nhấn mạnh: "Có thể nói, trong nền kinh tế số, ranh giới giữa hoạt động kinh doanh online và offline hầu như bị xóa nhòa… và doanh nghiệp cần phải thay đổi nhanh để có thể bắt kịp các xu hướng phát triển này".
Kinh tế số đã trở thành vườn ươm cho những hình thức kinh doanh mới, dựa trên nền tảng các công nghệ số tiên tiến và các mô hình kinh doanh sáng tạo. Tuy nhiên, một số mô hình kinh doanh này cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định. Do tính đổi mới, sáng tạo vượt bậc của các mô hình kinh doanh này, các cơ quan quản lý ở các địa phương thường gặp nhiều vấn đề trong việc xây dựng một khung pháp lý điều chỉnh phù hợp, đôi khi áp dụng cả các quy định không còn phù hợp, có thể dẫn đến cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp kỹ thuật số. |
Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, số lượng các giao dịch online, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT)… ở các nước phát triển cũng như toàn cầu đang tăng trưởng mạnh. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang có chiều hướng tăng mạnh với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới (như Uber, Airbnb…).
Theo số liệu của Google và Temasek vào năm 2016 thì Đông Nam Á đang là khu vực phát triển Internet nhanh nhất thế giới với 260 triệu người sử dụng hiện nay, dự kiến tăng lên 480 triệu vào năm 2020. Đồng thời, nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt tổng giá trị hơn 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, trong đó đóng góp nhiều nhất là lĩnh vực TMĐT với tỷ lệ 32% tăng trưởng lũy kế hàng năm, kế đến là truyền thông trực tuyến với 18% và du lịch trực tuyến với 15%…
Nhưng, việc tăng trưởng mạnh của nền kinh tế số với các mô hình kinh doanh mới cũng đưa ra các thách thức đối với các chính phủ, cơ quan quản lý, người tiêu dùng. Công nghệ số có thể tạo sự thuận lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp nhưng cũng có thể gây nên mâu thuẫn về quyền lợi trong hoạt động kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh thời đại kỹ thuật số; hoặc người tiêu dùng cũng có thể sa vào “ma trận” quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, trang web bán hàng trực tuyến…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VINATAS) cho rằng, hầu hết người tiêu dùng bị động khi tiến hành các giao dịch online trong nền kinh tế số hiện tại. Thông qua hoạt động kinh doanh TMĐT, một số cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng hình thức này để trục lợi, đánh lừa người tiêu dùng…
Theo nhận định của VINATAS, do đặc thù của hoạt động mua bán trên Internet là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, chủ yếu giao dịch trên không gian mạng; các thông tin, dữ liệu liên quan đến hàng hóa đều ở dạng số hóa, nên người mua sẽ gặp phải nhiều rủi ro hơn so với thương mại truyền thống. Không thể nhìn nhận TMĐT chỉ đơn thuần là việc sử dụng các phương tiện điện tử để thay thế cách tiếp cận trong thương mại truyền thống khi mua, bán hàng hóa. Để có thể bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng khi mua bán trên mạng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường biện pháp quản lý phù hợp.
(Theo TBKTSG Online)