Co-working tiếp tục phát triển tuân theo các chu kỳ kinh tế và biến đổi để phù hợp với những thay đổi trong cách làm việc của những người trẻ. Theo Tập đoàn Quản lý đầu tư và Dịch vụ bất động sản JLL, Việt Nam hiện có khoảng hơn 40 không gian co-working chuyên nghiệp.
Tiềm năng lớn
Từ năm 2006, TP.HCM đã xuất hiện mô hình văn phòng làm việc chung, đó chính là G-Office tọa lạc tại tòa nhà Indo China Park ở Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1 (TP.HCM). Thời điểm đó, G-Office chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản như đăng ký trụ sở công ty, cho thuê chỗ ngồi, cho thuê phòng họp, cho thuê dịch vụ văn thư/hành chính dùng chung, cung cấp các dịch vụ kế toán… Sau đó, co-working âm thầm phát triển ở những thành phố lớn khác là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu… Tuy nhiên chỉ khoảng 1 năm trở lại đây, co-working mới được nhắc tới nhiều khi vị CEO của Google, ông Sundar Pichai, trong chuyến thăm Hà Nội cuối năm 2015 đã lựa chọn một địa chỉ co-working để trò chuyện với giới khởi nghiệp trong nước.
Co-working là nơi cho người trẻ với không gian thoải mái, năng động để làm việc linh hoạt
Ở TP.HCM hiện có khá nhiều co-working Space với quy mô khác nhau và đa phần tập trung ở quận 1 như: Start Saigon, Citihub, PerperHouse, Circo Coworking Space, The Ventures, Dreamplex… với diện tích trung bình trên dưới 1.000 m2. Giá thuê chỗ tại đây không tính theo mét vuông như văn phòng truyền thống mà tùy theo quy mô và nhu cầu sử dụng sẽ có những gói khác nhau.
Ngay cả những đơn vị không chính thức kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng chung cũng mở thêm không gian chia sẻ như kiểu của Nest AIA ở Q.1 (TP.HCM), Huế – Coplus Working Space với định hướng “Vườn ươm khởi nghiệp” dành cho những Start-up của Huế và miền Trung, S.hub ở Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội)….
Trước sự lan rộng của co-working, Hoàng Diệu Trang – Quản lý cấp cao Bộ phận Tư vấn cho thuê Thương mại Savills Hà Nội đánh giá, xu hướng này sẽ ngày càng bùng nổ, vì nó đáp ứng được nhiều lợi ích của cá nhân lẫn doanh nghiệp. Các công ty thường thuê mặt bằng theo số lượng bàn làm việc; thời gian thuê theo tuần hoặc tháng với các dịch vụ phụ thêm luôn sẵn có khi yêu cầu. Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ co-working hoạt động theo mô hình mạng lưới còn tạo điều kiện cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn. Khách hàng sẽ trả phí thường niên để sử dụng bất kỳ trung tâm nào trong hệ thống trên toàn cầu của nhà cung cấp. Số doanh nghiệp khác hoạt động theo mô hình thành viên, trong đó khách hàng không chỉ được ưu tiên sử dụng mặt bằng văn phòng mà còn được ưu tiên khi tham gia các sự kiện và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các bên thứ ba.
Về tiện ích và chi phí, bà Trang cho rằng, mô hình co-working khá linh hoạt. Một số doanh nhân đang đi công tác hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam với nhu cầu thuê văn phòng nhỏ trong thời gian ngắn sẵn sàng trả mức giá linh hoạt về diện tích và thời gian thuê. Ở các văn phòng làm việc chung, các tiện ích được cắt giảm, chỉ còn lại những tiện ích cơ bản như bàn làm việc, internet, dịch vụ IT và có thể là một số tiện ích ăn uống nhẹ…
Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ, bà Trang nhấn mạnh co-working là giải pháp tiết kiệm chi phí hơn so với thuê văn phòng truyền thống bởi diện tích cho thuê thường lớn hơn nhiều so với nhu cầu về mặt bằng của các công ty này. Những doanh nghiệp này đã từng chọn giải pháp thay thế là đặt văn phòng tại căn hộ chung cư, nhưng gần đây việc này đã bị cấm, tạo ra nguồn cầu lớn hơn cho phân khúc co-working. Đối với người lao động tự do, khác với làm việc tại văn phòng truyền thống hay làm việc tại nhà, mô hình co-working cho phép họ quyền lựa chọn làm việc độc lập trong không gian riêng hoặc trò chuyện, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với những người đồng quan điểm.
Khởi nghiệp thúc đẩy nhiều phiên bản co – working
Câu chuyện khởi nghiệp tại Việt Nam đang thúc đẩy nhiều sáng kiến, ý tưởng ra đời và có nhiều người trẻ mạnh dạn mở công ty. Nhu cầu này cũng dẫn theo hệ quả là các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp mới, trong đó có co-working phát triển.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2017, có 72.953 doanh nghiệp đã được thành lập, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam (chiếm 97% trong suốt 15 năm) và sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động. Sáng tạo và linh hoạt là 2 giá trị đang ngày càng được đánh giá cao và nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Chính vì thế, một cách tự nhiên phân khúc co-working đã phát triển để đáp ứng nhu cầu của một thế hê doanh nghiệp mới.
Theo đánh giá của CBRE, thị trường văn phòng đang chứng kiến nhiều sự thay đổi để phù hợp nhu cầu mới. Chẳng hạn, so với “Hub” – mô hình văn phòng truyền thống, nhân viên công ty đến làm việc cùng một giờ và ngồi theo hàng dài trong khu làm việc của mình, thì “Home” (mô hình làm việc bên ngoài văn phòng công ty, có thể ở nhà hoặc khách sạn), “Roam”(mô hình chia sẻ nơi làm việc, có thể là nơi công cộng như các trung tâm văn phòng dịch vụ, cung cấp nơi làm việc theo giờ, theo tuần hay theo tháng) hay “Club” (một mô hình thiết kế năng động, đa năng, nơi mà nhân viên có thể chọn chỗ ngồi tùy thích)… được đánh giá mang lại nhiều sự chủ động và sáng tạo hơn cho người sử dụng trong việc triển khai công việc.
Ông Nguyễn Việt Duy, Giám đốc Kinh doanh văn phòng TNR Holdings Vietnam, đơn vị đang triển khai văn phòng theo mô hình Club cho biết, văn phòng năng động là xu hướng chung trong phát triển sắp tới, khi nó chứng minh hiệu quả trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài cho các công ty.
Trong xu thế đó, gần đây Toong một start-up trong lĩnh vực đầu tư chuỗi không gian làm việc chung, hồi tháng 4/2017 đã được CapitaLand tăng vốn đầu tư để phát triển chuỗi. Nhìn xa hơn, công ty JLL thì dự báo rằng, đến năm 2030, không gian co-working sẽ tăng từ 10 lên 15% trên tổng nguồn cung văn phòng tại Đông Nam Á, so với con số hiện nay chỉ có 1 đến 5%. Điều này chắc chắn sẽ tác động lớn đến dịch vụ cho thuê văn phòng truyền thống ở các mặt bằng quy mô vừa và nhỏ”.
(Theo Doanh nhân)