Nỗ lực xanh hóa nền thương mại trực tuyến

Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành thông tư thúc đẩy sự phát triển hợp nhất giữa thương mại điện tử, công ty phân phối và công ty hậu cần như một phần của kế hoạch hành động về nền kinh tế Internet. Theo quyết định này, các cơ sở hậu cần phải đi chung với thương mại điện tử, và cùng với đó là tiến tới việc thiết lập những hệ thống phân phối hiện đại, bằng máy bay hay bằng tàu hỏa. Việc chính phủ quan tâm đến giao thương Internet cho thấy những nỗ lực trong việc xanh hóa nền thương mại điện tử tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Một viên chức tại Bộ Thương mại nước này cho biết phát triển xanh là sự chọn lựa của thương mại điện tử Trung Quốc khi thị trường nước này chuyển qua thời kỳ mới. Trung Quốc đang là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới và năm 2017 ghi nhận đã có hơn 40 tỉ gói hàng được lưu thông. Thực ra quyết định nói trên đang nhắm đến việc thiết lập một hệ thống thương mại điện tử hợp lý hơn, thân thiện với môi trường hơn và cũng ít tốn kém cho người tiêu dùng hơn.

Việc đề cập đến hạ tầng, đến việc sử dụng đất, đến liên kết tác vụ, đến sự hợp nhất hệ thống cho thấy Trung Quốc không chỉ muốn thúc đẩy mà còn đi xa hơn nữa trong việc tạo nên một cuộc biến đổi thị trường thương mại điện tử, dựa trên tiêu chí môi trường, từ cung cách đóng gói hàng hóa đến chia sẻ dữ liệu. Nhưng đây không phải là sự kiện mới, trong một vài năm trở lại đây nhiều công ty tại đây đã có những bước đi tiên phong.

Những bước đi tiên phong

Một bài viết trên trang thông tin chính phủ Sepa.gov.cn ngay sau sự kiện thương mại điện tử thành công nhất trong năm, Ngày Độc thân (Singles Day) 11-11, đã cho biết hàng trăm triệu tấn vật liệu đựng hàng đã bị vất bỏ vương vãi khắp nơi. Điều này buộc các công ty thương mại điện tử cũng như giới chức chính quyền vào cuộc. Các nhà phân tích cho rằng đây là một sự khởi đầu khả quan, nhưng lưu ý còn nhiều khó khăn phía trước. Zhang Ye, tác giả của bài viết cho hay, trên thực tế lúc bấy giờ nơi một trạm trung chuyển tại quận Haidian ở Bắc Kinh người ta đã thấy xuất hiện những chiếc thùng nhựa màu vàng, thay vì những thùng giấy các tông. Những thùng nhựa sử dụng được nhiều lần này chính là giải pháp giao hàng của tập đoàn thương mại trực tuyến Suning Commerce Group.

Các thùng nhựa màu vàng được mang trở về sau khi giao hàng, và sử dụng lại. Dự án đã bắt đầu từ tháng 4-2017, và đến nay đã có 50.000 thùng được đưa vào sử dụng lại, chủ yếu cho việc giao những món hàng có giá trị cao, những món hàng dễ bể. Suning nói rằng với phương pháp này họ không cần phải dùng những thùng giấy sử dụng một lần, và cũng không tốn thêm chi phí bổ sung cho người nhận hàng. Shi Pengfei, Phó tổng giám đốc đơn vị kho vận của Suning tại Bắc Kinh, cho biết với bước đi ban đầu này và với sự chấp nhận rộng rãi của người tiêu dùng, công ty sẽ tăng số thùng giao hàng màu vàng lên mức 200.000 chiếc trong năm nay. Mặt khác, nhờ những container nhỏ gọn này, đơn vị hoàn tất đơn hàng cũng giảm bớt được những hình thức đóng gói cồng kềnh tốn kém, đặc biệt cho những món hàng dễ bể hay những đồ điện tử.

Sự ô nhiễm và rác thải là hai vấn đề lớn của kỹ nghệ giao hàng nhanh ở Trung Quốc, nơi họ thực hiện việc phân phối hàng cho các công ty thương mại điện tử. Những nguyên phục liệu dùng để đóng gói như băng keo hay túi nhựa phải mất rất nhiều năm mới phân hủy. Ông Shi nói rằng nếu đem đốt những thứ không phân hủy này thì mỗi năm phát sinh đến 30 triệu tấn khí thải carbon dioxid. Con số từ Văn phòng Thống kê Nhà nước cho biết trong năm 2015 có khoảng 100 triệu túi vải được dùng vào việc đóng gói hàng hóa thương mại điện tử, và hằng năm có từ 3,2 đến 8,6 tỉ thùng các tông, có năm lên tới 9,9 tỉ thùng, được sử dụng. Còn hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết chỉ trong năm 2016 con số bao bì rác thải đã lên tới 6 triệu tấn và chi phí vào đó lên đến 9 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1,36 tỉ đô la Mỹ. Nhà phân tích Shao Zhonglin tại Thượng Hải nói với tờ Global Times rằng: “Vấn đề môi trường sẽ trở nên trầm trọng nếu chúng ta không quan tâm đúng mức đến việc kỹ nghệ chuyển phát nhanh đang tăng rất mạnh”. Shao cho rằng chỉ 7 hay 8 năm nữa số gói hàng hằng ngày sẽ lên đến 1 tỉ so với mức 100.000 hiện nay.

Hãy cùng nhau hành động

Suning không phải là công ty duy nhất khởi động việc xanh hóa hoạt động của mình. Hãng kho vận Cainiao của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cũng đã tung ra chương trình tái chế thùng các tông tại 10 thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và tỉnh Quảng Đông ở phía nam. Ngày ngày, những chiếc xe giao hàng làm thêm việc thu gom thùng các tông từ người tiêu dùng, vốn được khuyến khích tặng lại bao bì tái chế này cho công ty để nhận những phiếu giảm giá. Cainiao dự kiến chương trình này sẽ tái chế hàng chục triệu thùng giấy, giảm đi nhu cầu khai thác 100.000 cây xanh. Chương trình mới này của Cainiao nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của chính phủ, nhưng trước đó từ năm 2013, công ty kho vận lớn nhất Trung Quốc này cũng đã có những bước chuẩn bị.

Sáng kiến xanh hóa dịch vụ hậu cần của Cainiao Network khởi động từ năm 2013 có sự tham gia của 32 công ty trong nước và quốc tế. Alibaba là tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, và điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các công ty trên dây chuyền cung ứng thông qua Cainiao Network. Lúc bấy giờ Cainiao gợi ý các đối tác tập trung vào việc xanh hóa nguyên liệu bao bì đóng gói, tái chế nó, thực hiện việc phân phối bằng xe điện tại 20 thành phố, và đặc biệt cùng sử dụng dữ liệu lớn để cải thiện hiệu quả của hoạt động kho vận. Sáng kiến này bắt đầu mang lại hiệu quả từ năm 2015 với một tỷ lệ bao thùng có khả năng phân hủy 100%, và Cainiao hy vọng sẽ giảm 3,62 triệu tấn khí thải vào năm 2020. Thành công, tuy khiêm tốn của năm 2015, đã thúc đẩy Cainiao thành lập liên minh quỹ xanh vào năm 2016, gồm Cainiao

Network, Alibaba Foundation, China Environmental Protection Foundation, và sáu công ty kho vận lớn khác. Một khoản đầu tư tương đương 300 triệu nhân dân tệ đã được dùng để khuyến khích những nghiên cứu nhằm xanh hóa hệ thống hậu cần và quản lý dây chuyền cung ứng, tiêu thụ.

Thực ra cho tới nay Suning, Cainiao và cả công ty bưu điện nhà nước SPB, nơi vừa khởi động chương trình xanh hóa từ tháng 11-2017 trước lễ hội Singles Day, cũng mới chỉ thực hiện những bước đi đầu tiên, và tất cả đều nhắm tới mốc 2020 với 90% số hóa đơn đều bằng điện tử, một nửa bao bì đóng gói đều có thể tự phân hủy, giảm bớt việc đóng gói cồng kềnh hay hoa mỹ nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, và ít ra là 10% băng nhựa cùng bao vải phải được thay thế. Chuyện SPB tham gia vào chương trình xanh hóa thương mại điện tử là điều hợp lý khi công ty bưu điện UPS tại Mỹ đã làm rất tốt, luôn giữ nhịp và tạo ra những sáng kiến cho việc xanh hóa hệ thống phân phối, và là đối tác luôn luôn uy tín của Amazon cùng các công ty thương mại điện tử khác và cả của người tiêu dùng trên các thị trường, tại Bắc Mỹ cũng như nước ngoài. Và đây có thể là một lý do khiến chính phủ Trung Quốc vào cuộc bằng cả một thông tư đặt ra những yêu cầu cho những kỹ nghệ liên quan đến thương mại điện tử.

Yêu cầu môi trường trở thành quốc sách

Thương mại điện tử là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc, điều này đã được khẳng định, và nhắm tới xanh hóa hệ thống thương mại này có ý nghĩa như một chính sách. Giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Trung Quốc trong năm 2016 đã lên đến 5,16 ngàn tỉ nhân dân tệ, tương đương 752 tỉ đô la, và tốc độ tăng trưởng đang ở mức 26,2%. Tham gia vào chuỗi giá trị thương mại điện tử này, hệ thống bưu điện nhà nước SPB (State Post Bureau) phân phối hơn 31 tỉ gói hàng, tính ra 23 gói mỗi đầu người trong năm 2016.

Sử dụng trong hệ thống phân phối này gồm giấy vận đơn, thùng các tông, các loại túi nhựa, túi vải, băng keo, và nhựa xốp làm lớp lót. Việc sử dụng quá mức bao bì đã trở nên phổ thông, một mặt để làm cho gói hàng bắt mắt, mặt khác vì chưa có phương tiện bảo vệ hay bảo quản hữu hiệu món hàng trong quá trình vận chuyển. Sự ưa thích với thương mại điện tử mỗi ngày một tăng, và nhu cầu vận chuyển cùng những chất biệu bao bì bỏ thải cứ chất đống năm này sang năm khác. Trong khi đó chỉ khoảng 10 giấy và nhựa là có thể tái chế, và mức độ tái chế tại Trung Quốc cũng mới chỉ ở mức trên dưới 20%.

Bài toán xanh hóa thương mại điện tử thật ra không dễ dàng, và điều này có nghĩa là chỉ có thể giải bài toán bằng sự hợp tác giữa các bên, phía chính phủ và phía doanh nghiệp. SPB đang hành động như một tổ chức chính phủ với mục tiêu “thiết lập hệ thống tái chế và loại bỏ các chất độc hại ra khỏi bao bì kể từ 2020”. Trang Eco-business.com cho biết vào thời điểm hiện tại chính phủ vẫn chưa có quy định về tác động môi trường và thu hồi tái chế bao bì thương mại điện tử. Sự thiếu luật lệ, quy định và thiếu những chính sách mạnh mẽ lại chính là những rào cản cho những cố gắng của doanh nghiệp, mà hậu quả cuối cùng là thương mại điện tử đang tạo ra những bãi rác khổng lồ. Nhưng nay, với việc đưa ra thông tư hướng dẫn, chính quyền đã vào cuộc, và các nhà bán lẻ cũng như những công ty hậu cần, kho vận và chuyển phát hàng cùng vây quanh những hướng dẫn đó để xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tốc độ xanh hóa thương mại điện tử, vốn đã quá chậm tại Trung Quốc.

Trong lúc này việc xanh hóa thương mại điện tử ở các nước nền kinh tế phát triển đã đi khá xa, không chỉ với bao bì đóng gói mà toàn bộ dây chuyền cung ứng, bắt đầu từ kiến trúc hạ tầng, sử dụng năng lượng, đến đóng gói sản phẩm, xử lý rác thải, và kinh doanh không giấy. Hạ tầng kiến trúc bao gồm các kho chứa mà sau này cấu trúc thành các trung tâm hoàn thiện đơn hàng, và trung tâm phân phối được hợp lý hóa từ vị trí đặt đến tự động hóa. Sự hợp lý ở đây đồng nghĩa với cự ly nhận hàng, cự ly phân phối, và cả phương tiện giao hàng. Tất cả những việc đó được tính trên lượng khí thải carbon dioxid mà các hoạt động liên quan tạo ra. Việc xanh hóa cũng không chỉ nằm nơi các bao bì, mà là cả dây chuyền xử lý bao bì thải bỏ với tỷ lệ tái chế, tái sử dụng nâng lên tới mức tối đa. Và cuối cùng, tiến đến việc kinh doanh không dùng giấy, không biên lai, không hóa đơn, cùng với đó là việc thanh toán không dùng tiền mặt. Con đường trước mắt của Trung Quốc cũng như nền thương mại các nước đang phát triển còn dài, nhưng rồi ai ai cũng phải bắt đầu.

(Theo TBVTSG)

Tin khác