Lina Network là một giải pháp công nghệ được xây dựng trên nền tảng Blockchain, được tối ưu hóa trên nền tảng đám mây lai (điện toán đám mây công cộng và đám mây riêngriêng). Nhờ vậy, Lina Supply Chain đảm bảo được việc theo dõi nguồn gốc một sản phẩm nào đó trong thời gian thực. Lina Supply Chain nằm trong một hệ sinh thái công nghệ rộng lớn bao gồm nhiều nhà kinh doanh (merchant) và người sử dùng, được đặt tên là Lina Network.
Theo nhà phát triển, ứng dụng Lina Network có 3 ưu điểm khi áp dụng vào thực tế của chuỗi cung ứng. Thứ nhất là khả năng hiển thị thông tin một cách minh bạch. Với chuỗi cung ứng thông thường sẽ luôn có các “điểm mù” (blind spot) trên chuỗi (chain). Ví dụ, liệu người bán có gửi đủ đơn đặt hàng hay không, hay tàu chở hàng cập bến hay chưa… Trong khi đó, công nghệ Blockchain có thể cho phép thể hiện chi tiết sản phẩm trong hệ thống đang ở đâu và ở trạng thái nào, tại bất kỳ thời điểm nào, ai đang nắm quyền lưu giữ sản phẩm đó.
Thứ hai là khả năng tối ưu hóa. Ứng dụng giải pháp này, các bộ phận trong chuỗi cung ứng có thể “dự đoán” được là khi sản phẩm đến nơi sẽ có trạng thái như thế nào và trong thời gian nào, qua đó tối ưu hóa được quy trình. Ví dụ, Toyota sử dụng công nghệ Blockchain để theo dõi hàng ngàn bộ phận linh kiện được di chuyển qua nhiều quốc gia, nhà máy trong thời gian thực để qua đó tối ưu hóa quá trình lắp ráp ô tô.
Thứ ba là dữ liệu trong blockchain là hoàn toàn minh bạch với tất cả mọi người trong chuỗi vận hành sản phẩm và được cập nhật gần như tức thời. Vì vậy, có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gần như mọi lúc ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu.
Được biết, Lina Network đã đạt được thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với ba tập đoàn nông nghiệp của Thái Lan trong việc ứng dụng giải pháp này. Trong đó có ChokChai là tập đoàn chăn nuôi bò sữa lớn nhất Đông Nam Á, phạm vi ứng dụng trong các dây chuyển sản xuất và cung ứng sữa và các chế phẩm từ sữa. Tập đoàn S.A.P Siam Food International Co. Ltd và Tập đoàn AIM THAI, ứng dụng trong việc theo dõi sản phẩm chế biến từ trái cây.
Công nghệ blockchain là một sổ cái chung trong đó dữ liệu sẽ được lưu vào một cách tuần tự trong các khối. Để được ghi dữ liệu vào Blockchain cần phải được sự đồng thuận của đa số các bộ phận tham gia hệ thống và sự thỏa thuận mỗi bộ phận có quyền gì. Dữ liệu khi đã được đưa vào Blockchain thì sẽ không thể bị thay đổi sai lệch với chuẩn định trước. Như vậy ngay cả khi tin tặc (hacker) có thể tấn công hoặc chiếm quyền (hack) được vào một nút (node) thì cũng không thể làm sai chuẩn, ví dụ như thay đổi thông tin của các bộ phận khác. Blockchain sẽ tạo dữ liệu theo dạng các khối (block) và các khối đó sẽ tồn tại mãi mãi và được chia sẻ trong hệ thống. Như vậy đối với chuỗi cung ứng thì mọi hoạt động, giao dịch gắn với các bộ phận sẽ luôn tồn tại và không bao giờ bị thay đổi. Các hoạt động này sẽ được lưu chi tiết đến thời gian thực hiện và đơn vị thực hiện – từ đó dữ liệu không thể bị phá vỡ. |
(Theo TBKTSG Online)