Công ty Exponent Technology Services tại Dubai (UAE), vào tháng 5 vừa qua, đã tiến hành thử nghiệm dịch vụ giao thức ăn bằng máy bay không người lái và giao được khoảng 900 chiếc bánh kẹp trong một ngày. Exponent là một trong số nhiều công ty đang tìm kiếm những cách thức mới để vận dụng máy bay không người lái vào cuộc sống thường nhật, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh dịch vụ trong một thị trường nở rộ dịch vụ giao thức ăn như ở Dubai.
UAE: Phát triển theo nhu cầu thị trường
Ở vùng sa mạc, nhiệt độ ngoài trời trong những tháng hè lên đến 40-50 độ C là điều bình thường nên việc rời văn phòng đi ăn trưa là không đơn giản. Đó là lý do dịch vụ giao thức ăn tại Dubai ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù được tích hợp nhiều phương thức hiện đại, nhưng tại các đô thị ở UAE, vẫn có những nơi mà dịch vụ giao hàng thông thường không thể tới được như bãi biển hay phòng chờ sân bay.
“Từ tháng 5 cho đến khoảng tháng 9, việc đi bộ ngoài trời ở Dubai là điều không thể”, Anis Harb, Giám đốc khu vực Trung Đông của ứng dụng giao đồ ăn Deliveroo, nói với CNN. Vì vậy, mọi người đều sử dụng dịch vụ giao thực phẩm.
Theo một bản báo cáo của hãng KPMG năm 2017 về ngành công nghiệp thực phẩm tại UAE, 87% số công ty thực phẩm được khảo sát đều cho biết đã đưa ứng dụng giao hàng vào phục vụ khách. 60% số người tiêu dùng tại UAE sử dụng ứng dụng để đặt thực phẩm, so với chỉ 18% ở Mỹ và 28% ở Anh, theo một bản báo cáo của Morgan Stanley vào năm ngoái.
“Khách hàng tại Trung Đông chi hơn 1/3 thu nhập của mình vào việc di chuyển và thực phẩm. Vì vậy, dịch vụ giao đồ ăn là sự phát triển hết sức tự nhiên”, Zach Finkelstein, Phó chủ tịch phụ trách phát triển của ứng dụng chia sẻ xe Careem, cho biết. Careem đã bắt đầu triển khai dịch vụ giao thực phẩm bằng việc thâu tóm RoundMenu – nền tảng đặt đồ ăn và xếp hạng nhà hàng đang hoạt động khắp thế giới Ả Rập.
Harb cho biết tại các thành phố khác của UAE, cuối tuần thường là khoảng thời gian bận rộn nhất của công ty, nhưng ở Dubai, nhu cầu giao thực phẩm luôn cao trong suốt cả tuần. Người tiêu dùng phụ thuộc vào dịch vụ này hằng ngày. Deliveroo cũng đang hoạt động ở Dubai và với mô hình “Deliveroo Editions” – gian bếp chia sẻ dành cho các đầu bếp hay nhà hàng chế biến thực phẩm dành riêng để giao hàng - đang tìm cách thay đổi hoàn toàn mô hình nhà hàng truyền thống.
Ngoài Deliveroo, các hãng Zomato, UberEats và Talabat cũng đang tích cực cạnh tranh tại thị trường màu mỡ này.
Trung Quốc: Điểm nóng về ứng dụng giao thức ănNhịp sống bận rộn của xã hội hiện đại khiến nhiều gia đình tại Trung Quốc hiếm khi có đủ thời gian để tự chuẩn bị bữa ăn hay thậm chí là đi ra nhà hàng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều người đã tìm tới các dịch vụ giao đồ ăn tại nhà theo cách thức đơn giản và tiện lợi. Xu hướng này đang góp phần tạo ra những biến đổi lớn trong ngành dịch vụ ăn uống tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sự bùng nổ của các ứng dụng đặt đồ ăn cũng tạo ra những cơ hội mới cho anh Liu, một cựu công nhân trở thành một người chuyển phát đồ ăn. Anh Liu có thể kiếm được gần 1.400 đô la Mỹ/tháng (khoảng 31 triệu đồng), tương đương với mức lương trung bình của người dân Thượng Hải và quan trọng hơn là sự thoải mái trong công việc.
Theo Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc, các ứng dụng đặt đồ ăn đang ngày càng trở nên phổ biến tại quốc gia 1,38 tỉ dân này, thu hút hơn 340 triệu người sử dụng. Điều này cũng tạo nên những thay đổi lớn trong ngành dịch vụ khi ngày càng có nhiều nhà hàng tìm cách bắt kịp xu hướng mới. Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với không ít sự thách thức như số vụ tai nạn có liên quan đến người chuyển phát hàng đang gia tăng hay những mối lo ngại về chất thải nhựa, ngành cung cấp đồ ăn tại nhà ở Trung Quốc vẫn có sự phát triển ấn tượng.
Vào tháng 2 vừa qua, một dịch vụ giao đồ ăn trên tàu cao tốc đã được triển khai nhằm đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của các hành khách. Những du khách di chuyển trên tàu cao tốc tại Trung Quốc giờ đây đã có thể thưởng thức món ăn của các nhà hàng tại địa phương nơi họ đi qua mà không cần phải rời khỏi ghế ngồi. Tất cả những gì cần làm chỉ là sử dụng ứng dụng điện thoại di động đặt vé tàu 12306 để đặt món ăn vào khoảng một tiếng trước khi tàu đến ga. Thực phẩm sẽ được giao tới tận tay hành khách. Ứng dụng này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà hàng. Tuy nhiên, việc bảo đảm việc giao hàng chính xác, kịp thời tới tận tay các hành khách đi tàu là chuyện không đơn giản. Các nhà hàng buộc phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm sự chính xác trong khâu vận chuyển. Hiện nhiều nhà hàng tại Trung Quốc đã bắt đầu triển khai dịch vụ này. Các hành khách vốn không mấy thích thú với những bữa ăn đắt đỏ, ít sự chọn lựa trên tàu là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng kinh doanh mới này.
Vào dịp mùa Xuân hàng năm, hàng tỉ lượt người tại Trung Quốc lại di chuyển khỏi các thành phố lớn để về quê ăn Tết Nguyên đán, tạo nên một trong những cuộc di cư lớn nhất thế giới. Trong dịp TếtÂm lịch 2018 vừa qua, khoảng gần 3 tỉ lượt người di chuyển bằng các loại phương tiện giao thông khác nhau. Điều này đã gây ra một áp lực khổng lồ, nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn cho ngành giao thông vận tải và các dịch vụ hỗ trợ ở Trung Quốc, điển hình là dịch vụ giao thức ăn nói trên.
Thị trường đông dân nhất thế giới cũng đang chứng kiến các thương vụ mua bán và sáp nhập trị giá hàng tỉ đô la trong lĩnh vực giao thức ăn. Gần đây nhất chính là vụ thâu tóm dịch vụ ứng dụng mang tên Ele.me của “người khổng lồ” Alibaba vào tháng 4, với giá trị gần 9,5 tỉ đô la. Trong khi đó, đối thủ hàng đầu của Ele.me là Meituan Dianping, đang chuẩn bị IPO với giá trị có thể lên đến 60 tỉ đô la. Đứng sau Meituan lại chính là Tencent – đối thủ mạnh của Alibaba.
Ngành cung cấp đồ ăn tại nhà ở Trung Quốc có sự phát triển ấn tượng với doanh thu lên tới 32 tỉ đô la trong năm 2017 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 20% trong năm 2018.
Và sự nổi lên của thị trường Đông Nam Á
Trong tương lai, có thể khách hàng sẽ ít tới nhà hàng mà giành phần nhiều thời gian với các ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến. Vì thế, sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử đồ ăn cũng kéo theo những thương vụ đầu tư khổng lồ, đặc biệt là tại các thị trường đông dân, đơn cử như khu vực Đông Nam Á với tổng dân số hơn 600 triệu người. Trong khu vực này, Singapore đang nổi lên như một vùng đất lý tưởng cho các công ty khởi nghiệp (startup) về ứng dụng giao thức ăn. Singapore có tới 6.000 quán hàng rong bán đồ ăn có dịch vụ giao hàng tận nơi. Đây thực sự là một thị trường rất béo bở cho các nhà phát triển ứng dụng.
Để thâm nhập vào thị trường dịch vụ giao đồ ăn vốn đã chật chội với những tên tuổi lớn ở Singapore, các startup ở quốc đảo này đã và đang chọn lối đi riêng, đó là giao đồ ăn từ những quán hàng rong. Theo Channel News Asia, việc không thu hoa hồng trên mỗi đơn hàng là lời giải cho những startup khởi nghiệp khi muốn bước chân vào một thị trường ngách chưa hề có sự cạnh trạnh trong thị trường giao đồ ăn vốn khốc liệt tại Singapore. Những thương hiệu đi đầu cho làn sóng này đó là Fastbee, Yihawker và Porterfetch. Trong khi Fastbee nhắm đến khách hàng là công nhân, nhân viên ở các cao ốc văn phòng, khu công nghiệp phía Tây thì Yihawker gia tăng sự hiện diện ở khu vực phía Đông. Còn Porterfetch lại chọn cách phục vụ khác biệt, đó là chỉ giao đồ ăn trong khoảng 21 giờ đêm hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau.
Trang tin Tech in Asia đánh giá, Fastbee dường như đang là startup nổi bật nhất. Người sáng lập công ty này thậm chí đã nảy ra ý tưởng thiết kế máy giao đồ ăn tự động cho khách hàng đặt gần khu vực của họ. Người nhận chỉ cần nhập số điện thoại của mình là lấy ra được ngay phần ăn đã đặt, rất tiện lợi và nhanh chóng. Hiện đã có tám máy giao đồ ăn như vậy được triển khai trên thực tế.
Tuy nhiên, tờ Channel News Asia đặt ra câu hỏi là khi không thu hoa hồng trên mỗi đơn hàng giao, các startup giao đồ ăn này làm sao có thể trụ vững chứ chưa nói tới việc cạnh tranh với nhau. Câu trả lời nằm ở mức phí giao đồ ăn tính trên từng thực khách. Mức phí này được cố định ở 1,5 đô la Singapore đối với Fastbee hoặc tính theo quãng đường, thường ở mức từ 4,5-5 đô la Singapore đối với Yihawker và Porterfetch. Với nguồn thu chỉ dựa vào 1,5 đô la Singapore, Fastbee buộc phải nghĩ tới việc gộp các đơn hàng để tiết kiệm chi phí thuê nhân viên giao hàng. Theo đó, startup này chỉ đến một khu phố ẩm thực liên kết để lấy đồ ăn sao cho thật nhiều đơn hàng cùng một lúc, rồi chuyển chúng đến máy giao đồ ăn tự động của mình. Với cách này, công ty đã tiết kiệm tối đa chi phí thuê nhân viên giao hàng.
Hiện Porterfetch nhận được 8.000 đơn hàng qua trang web của công ty mỗi tháng. Còn Fastbee, dù mới thành lập chỉ ba tháng nhưng cũng đã tăng tốc với 700 đơn hàng mỗi tuần. Trong khi đó, sau thương vụ khiến nhiều chuyên gia chú ý là thâu tóm UberEats, Grab đã bày tỏ tham vọng mở rộng dịch vụ GrabFood ra toàn bộ Đông Nam Á.
Trang tin Business News cho biết bắt đầu từ ngày 28-5, phiên bản thử nghiệm của ứng dụng giao đồ ăn GrabFood sẽ được triển khai ở Singapore. Thông báo của Grab cho biết các khách hàng ở Singapore có thể đặt đồ ăn theo yêu cầu từ các đối tác của GrabFood, bao gồm hàng ngàn quán ăn, nhà hàng cung cấp ẩm thực địa phương và quốc tế mà không bị đòi hỏi đặt mua mức tối thiểu. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đặt dịch vụ giao đồ ăn trước năm ngày. Khi sử dụng dịch vụ GrabFood, khách hàng sẽ được tích lũy điểm thưởng và có thể sử dụng chúng để thanh toán cước dịch vụ gọi xe.
Ở Singapore, GrabFood là một ứng dụng độc lập nhưng tại các nước ASEAN, nơi Grab đang cung cấp dịch vụ gọi xe, GrabFood sẽ được tích hợp vào ứng dụng Grab. Giám đốc Grab Singapore Lim Kell-Jay tiết lộ Grab đang hướng đến việc xây dựng một ứng dụng cung cấp dịch vụ hàng ngày cho khách hàng từ đi lại, đặt đồ ăn cho đến giao hàng, thanh toán di động. Trong khi đó, sau hai tuần triển khai thử nghiệm, bắt đầu từ ngày 10-5, ở TPHCM (Việt Nam), GrabFood đã mở rộng thị trường ra gấp hai lần, và hiện đã có mặt tại 10 quận của thành phố là 1, 3, 4, 5, 7, 10, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình và sẽ tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới.
(Theo TBVTSG)