Các nhà lãnh đạo của Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai của Indonesia kêu gọi Chính phủ nước này thu hồi giấy phép kinh doanh của công ty do lập trường ủng hộ giới LGBT
Anwar Abbas, đứng đầu mảng kinh tế của Muhammadiyah, phát biểu: “Tư tưởng và quan điểm họ ủng hộ trái với ý thức hệ của chúng tôi”.
Một nhà lãnh đạo khác của Muhammadiyah, ông Yunahar Ilyas, phát biểu họ đang kêu gọi "Người Hồi giáo không nên đến Starbucks để họ không có thêm tiền tăng cường các chiến dịch ủng hộ người LGBT”.
Starbucks là một trong số rất nhiều công ty Mỹ đã lên tiếng chống lại sự phân biệt đối xử ở Mỹ. Các đại diện của công ty đã ký một lá thư gửi tới thống đốc bang Bắc Carolina phản đối các điều luật nhắm vào người chuyển giới năm ngoái.
Các tổ chức Hồi giáo đã dẫn đầu sự phản đối dữ dội chống lại cộng đồng LGBT tại Indonesia trong năm vừa qua, điều mà các nhà hoạt động xã hội tin là bắt nguồn từ việc các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi về quyết định hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Mỹ.
Tổ chức Hồi giáo Pribumi Perkasa ở Malaysia cũng kêu gọi Chính phủ nước này “đánh giá lại giấy phép kinh doanh cho các công ty ủng hộ hôn nhân đồng giới và LGBT”, trích dẫn phát ngôn viên Amini Amir Abdullah trong một tuyên bố.
Các nhà lãnh đạo Hồi giáo nói những lo ngại về Starbucks bắt đầu nảy sinh sau khi họ đọc bình luận của chủ tịch Starbucks trong lúc giải quyết khiếu nại của cổ đông vào năm 2013 rằng công ty đang mất khách hàng do lập trường của công ty đối với LGBT.
Vào thời điểm đó, chủ tịch Howard Schultzman, sau này là giám đốc điều hành, đã phản hồi bằng cách yêu cầu các cổ đông bán đi cổ phần.
Tình dục đồng giới từ lâu đã là điều cấm kị ở Malaysia, nơi 60% dân số là người Hồi giáo, và là nơi mà tình dục phi tự nhiên là một tội phạm có thể bị phạt đến 20 năm tù.
(Theo Retail News Asia)