Không ai hiểu khách hàng hơn chính họ
Thưa rằng có thể và đã có giải pháp khả thi trong thực tế. Frilly là một startup trong lĩnh vực công nghệ thời trang ở Mỹ. Khách hàng lên trang web Frilly.com sẽ thấy nhiều mẫu quần áo khác nhau. Ứng với mỗi mẫu, khách có thể tùy chỉnh bằng cách đổi màu vải trang phục, thay tay ngắn bằng tay dài, chuyển cổ tròn thành cổ trái tim, chọn kích thước theo yêu cầu... Ứng với mỗi điều chỉnh, người dùng sẽ thấy ngay mẫu mới và giá tiền tương ứng. Sau khi chọn được mẫu ưng ý, khách có thể chọn đặt hàng trực tuyến. Frilly nhận đơn hàng, chuyển cho đối tác cắt, may và giao hàng trong vòng hai tuần.
Frilly quan niệm không ai hiểu nhu cầu của khách hàng hơn chính khách hàng. Đó là lý do thúc đẩy họ tạo ra công cụ để khách tùy chỉnh sản phẩm theo sở thích cá nhân. Dĩ nhiên, để làm được như trên, Frilly phải mất hơn hai năm xây dựng nền tảng cung ứng và hạ tầng kỹ thuật dựa trên công nghệ mô phỏng 3D.
Thật ra, trước khi Frilly xuất hiện, mỗi khách hàng vẫn có thể đến sạp bán vải chọn cho mình chất liệu vải và màu sắc phù hợp, đến cửa hàng may yêu cầu thợ cắt may theo mẫu đề ra. Điểm khác biệt mà Frilly mang lại là số hóa quy trình thực hiện và đưa mọi thứ lên mạng Internet để khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà nhấp chuột là có thể chọn được mẫu mình ưa thích. Còn quá sớm để biết liệu Frilly có phát triển bền vững hay không nhưng ít ra, câu chuyện của họ một lần nữa cho thấy công nghệ có thể “đo ni đóng giày” để phục vụ nhu cầu riêng của từng cá nhân trên quy mô rộng lớn.
Và không nhất thiết dựa trên nền tảng công nghệ
Trong kỷ nguyên số này, có lẽ chỉ còn ít người dùng tới cuốn danh bạ để tìm một số điện thoại. Hẳn cũng không ai phản đối rằng sản lượng báo in ngày càng giảm, tập vở ghi chép dần được thay thế một phần bởi điện thoại hay máy tính bảng. Như vậy, những công ty sản xuất tập vở phải thích ứng ra sao để tiếp tục phát triển trước sự thay đổi này?
Câu hỏi trên đã được ông Lâm An Dậu, Chủ tịch Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Tiến đặt ra với đoàn học giả từ trường Đại học Quản trị Singapore (Singapore Management University - SMU) nhân dịp họ sang giao lưu với một số doanh nghiệp Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Anni Koh đã dẫn câu chuyện về startup Bynd Artisan ở Singapore, như một gợi ý mà Vĩnh Tiến có thể tham khảo.
Bynd Artisan do Winnie Chan và chồng là James Quan thành lập vào năm 2014. Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh những cuốn tập được đóng thủ công theo yêu cầu của khách hàng. Trước khi ra làm ăn riêng, Winnie Chan là thế hệ thứ ba trong doanh nghiệp gia đình Grandluxe được thành lập năm 1945 vốn là một xưởng đóng tập sách thủ công, nhưng theo thời gian, công ty phát triển thành một đơn vị chuyên kinh doanh sỉ văn phòng phẩm và phụ kiện đồ da.
Với Bynd Artisan, Winnie Chan chọn hướng đi riêng, tạo ra sản phẩm bằng phương pháp thủ công và hướng đến phục vụ nhu cầu cá nhân của từng khách hàng. Khách có thể đến cửa hàng của Bynd Artisan, tự tay chọn loại giấy, màu sắc, kiểu gáy, loại bao bìa ưa thích rồi yêu cầu nghệ nhân đóng thành tập. Ngay trên bìa tập, khách hàng cũng có thể tự tay dập lên đó câu chữ mình ưa thích. Ngoài tập vở, Bynd Artisan còn cung cấp các sản phẩm quà tặng và văn phòng phẩm khác. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức các lớp học, nơi người tham dự được đào tạo và trao cơ hội tự tay đóng một cuốn tập cho mình.
Bynd Artisan có lãi ngay năm đầu hoạt động và doanh thu tăng đều đặn mỗi năm. Từ một cửa hàng ban đầu, đến nay, Bynd Artisan đã có năm cửa hàng tại Singapore, hai cửa hàng tại Hồng Kông và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng sang Dubai, các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (*).
Frilly và Bynd Artisal là hai câu chuyện cá nhân hóa sản phẩm ở hai ngành kinh doanh khác nhau, với hai cách tiếp cận: một dựa trên nền tảng công nghệ, và một dựa trên tay nghề thủ công của người thợ, nhưng đều cho phép khách hàng tham gia vào quá trình tạo nên sản phẩm. Bằng cách đó, họ tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh và đem đến những sản phẩm đặc biệt cho khách hàng.
Câu hỏi đặt ra là mô hình mà Frilly hay Bynd Artisal đã thực hiện đó liệu có khả thi tại Việt Nam? Không dễ để đưa ra câu trả lời chính xác nhưng các câu chuyện này đã cho thấy việc “cá nhân hóa sản phẩm” ngày càng được hiện thực hóa bằng những cách thức khác nhau chứ không nhất thiết phải dựa trên nền tảng công nghệ.
(Theo TBKTSG)