Theo đó, Tencent sẽ đầu tư 604 triệu USD đổi lấy 7% cổ phần, trong khi công ty thương mại điện tử JD.com - vốn đã sở hữu khoảng 2,5% cổ phần trong Vipshop, sẽ đầu tư 259 triệu USD để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 5,5% .
Thỏa thuận này giúp Tencent dấn sâu hơn vào lĩnh vực bán lẻ nơi vốn là thế mạnh của Alibaba. Tencent hi vọng rằng ứng dụng nhắn tin WeChat và các hệ thống thanh toán trực tuyến sẽ góp phần thúc đầy nhu cầu mua sắm từ khách hàng.
Martin Lau, Chủ tịch Tencent, cho biết với tập khách hàng hiện có cùng các giải pháp tiếp thị và hỗ trợ thanh toán mà công ty đang đang sở hữu, việc liên kết sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho Vipshop. Qua đó có thể chạm được vào tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại quốc gia này. Ứng dụng WeChat của Tencent hiện có gần một tỷ người dùng.
Cuộc chiến bán lẻ bùng lên gần đây giữa Tencent và Alibaba - những người đầu tư vào các lĩnh vực đa dạng như các ứng dụng chia sẻ xe đạp, giao hàng thực phẩm và chơi game, cho thấy cuộc đua giữa hai đối thủ là câu chuyện đường dài.
Weiwen Han, Đối tác quản lý (Managing Partner) của công ty tư vấn Bain & Company tại Trung Quốc, cho biết ngay bây giờ trong thị trường Trung Quốc đang có hai gã khổng lồ internet đầy quyền lực. Việc đầu tư sẽ do hai đối thủ này dẫn dắt.
Tuy vậy, Han nói thêm, các thương vụ đầu tư mà hai công ty nêu trên thực hiện sẽ khó có thể thành công. Thời gian sẽ cho biết liệu các khoản đầu tư như vậy hiệu quả đến đâu.
Những vết rạn trong thị trường bán lẻ
Alibaba đang tìm cách định hình cuộc chiến trong thị trường trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Tmall và Taobao, các nền tảng bán hàng của công ty gần như thống trị kênh Online và đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào các cửa hàng ngoại tuyến.
Tencent, công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất châu Á với 473 tỷ USD, dự kiến đầu tư 636 triệu USD để nắm 5% cổ phần tại doanh nghiệp Yonghui Superstores, đơn vị điều hành một chuỗi siêu thị tại Trung Quốc.
Thỏa thuận mới nhất, với giá cao hơn 55% giá cổ phiếu đóng cửa của Vipshop hôm thứ Sáu, sẽ giúp Tencent tiếp cận được các nữ khách hàng trẻ tuổi của Vipshop cũng như cho phép nó tiếp cận với các dữ liệu người tiêu dùng và giao dịch để giúp tăng sức cạnh tranh với Alipay của Alibaba.
Giám đốc điều hành của JD.com, ông Richard Liu, cho biết động thái này sẽ giúp "mở rộng phạm vi kinh doanh thời trang của chúng tôi".
Trước đó, vào tháng 11, khoảng 100 cửa hàng may mặc Trung Quốc đã rời khỏi nền tảng bán hàng trực tuyến JD.com vì lý do mà theo Richard Liu gọi chính xác bằng cái tên "sự cưỡng ép" bởi các nền tảng cạnh tranh.
(Theo Reuters)