Người già, em bé: 2 khách hàng mục tiêu lớn nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu, rộng của thế giới, người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Nhiệm vụ của nhà sản xuất không phải là chạy theo đáp ứng những nhu cầu đó mà phải biết trước nhu cầu tiếp theo của người tiêu dùng là gì để đáp ứng.
“Nếu mình không biết những xu hướng như vậy, nếu mình không biết cái gì đang chờ mình ở phía trước thì đầu tư của mình hôm nay sẽ lỗi thời, lạc hậu và mất tiền”, chuyên gia nhượng quyền toàn cầu Nguyễn Phi Vân khẳng định.
Bài học đầu tiên cho mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp, chính là phải xác định cho rõ thị trường của mình là đâu. Nếu bạn cho rằng sản phẩm của bạn sẽ cung cấp cho nhóm khách hàng ở một địa phương, 1 tỉnh thành thì cách bạn xây dựng hệ thống, cách bạn quản trị cũng sẽ dừng trong phạm vi 1 tỉnh. Nếu bạn nghĩ rằng sản phẩm đó cung cấp cho thị trường nội địa thì bạn sẽ xây dựng chiến lược để chinh phục thị trường nội địa. Còn khi bạn nghĩ sản phẩm đó phải cung cấp cho thị trường các nước trong khu vực, tại châu Á, hay dành cho toàn cầu thì tư duy của bạn cũng sẽ thay đổi theo. “Chỉ có khi các bạn bắt đầu bằng điểm đến, bạn mới biết mình phải khởi đầu như thế nào”, chị Phi Vân đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Dưới đây là một vài xu hướng được chị Phi Vân chia sẻ, mà những bạn trẻ đã và đang bước vào con đường khởi nghiệp cần phải biết để tránh bị tụt hậu.
Khách hàng mục tiêu lớn nhất: người già, trẻ em
Theo chị Phi Vân, 2 thị trường sốt nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu hiện nay chính là thị trường dành cho người già và em bé.
Tại sao lại là 2 đối tượng này? Năm 2017, 1/4 dân số thế giới là những người từ 50 tuổi trở lên. Điều đó có nghĩa, sản phẩm của bạn sẽ có nhóm khách hàng mục tiêu lên tới gần 2 tỷ người trên toàn cầu. Trong khi đó, trẻ em chính là người tác động nhiều nhất đến quyết định mua hàng của các bậc cha mẹ. Nhóm khách hàng này chính là những “ông hoàng” trong mỗi gia đình. “Đây là những người quyết định từ 60-80% quyết định mua hàng của bố mẹ. Tại châu Á, con số này là 67%”, chị Phi Vân cho biết.
I want what I want when I want it
Tạm dịch: tôi muốn cái tôi muốn ngay lúc tôi muốn. Điều này có nghĩa là sản phẩm, dịch vụ cung cấp phải mang tính đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của người dùng. Bởi, người tiêu dùng bây giờ không muốn phải chờ đợi.
Wabi-Sabi: nghệ thuật khiếm khuyết
Theo chị Phi Vân, trước tới nay, người tiêu dùng và nhà sản xuất đã quen bóng bẩy và luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Nhưng bây giờ, xu hướng thế giới đã thay đổi. “Người ta thấy rằng, nếu có khiếm khuyết thì tức là sản phẩm đó nguyên bản, là sản phẩm thiệt, chứ không phải giả. Xu hướng này thật hay khi áp dụng cho doanh nghiệp Việt vì mình chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, chị Phi Vân cho hay.
Các doanh nghiệp Việt nếu biết cách kể những câu chuyện hay đằng sau mỗi sản phẩm, sẽ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng vì họ luôn muốn biết đằng sau mỗi sản phẩm hoàn hảo là những câu chuyện có thật ra sao. “Nếu bạn muốn làm bột khoai, hãy show ra cho người ta thấy bạn đã trồng khoai thế nào, những củ khoai từ lúc đang còn lấm bùn đất cho tới khi được làm sạch đưa vào nhà máy ra sao. Đó là câu chuyện nguyên bản mà ai cũng muốn nghe. Và người ta gọi đó là sự khiếm khuyết hoàn hảo”, chị Phi Vân bình luận.
Tôi hóa, cá nhân hóa
Nếu như trước đây, sản phẩm ra thị trường mang tính hàng loạt, đại trà, phục vụ cho đông đảo người tiêu dùng thì bây giờ mọi chuyện đã khác. Người tiêu dùng muốn một sản phẩm được sản xuất dành cho chính họ, là của họ, hiểu họ và phục vụ cho nhu cầu của chính họ. “Tôi muốn mình phải là một phần nào đó trên thế giới này. Là một phần rất riêng. Đó chính là dấu ấn cá nhân của tôi. Là xu hướng cá nhân hóa, tôi hóa của người tiêu dùng”, chị Phi Vân cho hay.
Tech – Everything: công nghệ mọi thứ
Không có công nghệ, rất có thể bạn sẽ quay lại bánh xe người khác đã đi qua từ rất lâu trước đó. Phải bắt đầu bằng góc nhìn công nghệ để bước trước người ta. Khoảng cách của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp ngoại xa quá, hiểu biết của mình so với người ta còn xa quá, quản trị của mình còn xa quá, nội lực còn xa người ta quá thì chạy để đuổi kịp người ta đã là quá mệt.
“Nhưng, công nghệ chính là sự lựa chọn để cho các bạn có sự nhảy vọt đi vào tương lai, để cạnh tranh với người ta không phải bằng con đường truyền thống nữa mà là con đường phi truyền thống”, chi Phi Vân cho hay.
Lê Dung
Tin khác