Sang Singapore... khởi nghiệp

Bốn giờ xong thủ tục lập doanh nghiệp

Sau chuyến bay dài hai tiếng bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), cộng thêm chừng 30 phút chờ đợi nhau làm thủ tục nhập cảnh, nhóm chúng tôi gồm hai chủ doanh nghiệp nhỏ đang kinh doanh cà phê, ẩm thực cùng nhà đầu tư góp vốn đặt chân đến Singapore để hoàn tất các thủ tục cuối cùng cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Các hồ sơ đã được công ty làm dịch vụ chuẩn bị sẵn sàng, việc của các chủ doanh nghiệp là ký vào các giấy tờ để nộp cơ quan quản lý nước sở tại. Quan trọng nhất trong số này là chữ ký của người sẽ đứng tên đại diện pháp luật của doanh nghiệp (director). Theo quy định của Chính phủ Singapore, “director” của doanh nghiệp được thành lập tại đây ở mọi hình thức - từ liên doanh đến 100% vốn nước ngoài - phải là người có quốc tịch Singapore để chịu trách nhiệm mọi vấn đề liên quan.

Trước đây, các công ty làm dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp thường lo luôn phần tìm người đứng tên nhưng hiện nay thì không. Nguyên nhân là vì nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu và quan trọng hơn là chính phủ nước này không muốn có những công dân chuyên sống bằng nghề cho thuê tên tuổi. Nhà đầu tư góp vốn vào hai công ty đã phải vận dụng các mối quan hệ, nhờ được một người bạn Singapore đảm nhận vai trò này.

Đúng hẹn, 11 giờ sáng thứ Hai, nhóm chúng tôi có mặt ở văn phòng công ty làm dịch vụ và thực hiện kê khai thông tin vào các mẫu đơn mà cô nhân viên tên Lizze đã in sẵn. Việc kê khai diễn ra rất nhanh khi các thông tin khá đơn giản, tập trung vào những nội dung như nguồn gốc của nguồn tiền mở công ty, mô hình doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ cung cấp... Tuy nhiên, đến đoạn thông tin của chủ doanh nghiệp thì trục trặc. Cô Lizze cứ phải in rồi bỏ vì địa chỉ trên tài khoản ngân hàng với địa chỉ nơi ở của hai chủ doanh nghiệp không khớp. Hai chủ doanh nghiệp phải gọi điện về Việt Nam để xử lý. Cô Lizze kiên nhẫn chờ đợi, không ăn trưa dù đã được đồng nghiệp mua sẵn hộp cơm để trên bàn.

Gần hai giờ chiều, hồ sơ hoàn tất. Mỗi doanh nghiệp chuyển cho Lizze 1.199 đô la Singapore phí dịch vụ (bằng tiền mặt). Trong số này có 240 đô la là tiền thuê địa chỉ của công ty dịch vụ làm văn phòng đại diện trong một năm. Luật pháp Singapore yêu cầu doanh nghiệp phải có địa chỉ xác định, không chấp nhận hình thức địa chỉ văn phòng qua hòm thư. Công ty dịch vụ cũng sẽ làm nhiệm vụ như “một thư ký” của doanh nghiệp, lo mọi việc của công ty như nhắc nhở nộp báo cáo thuế, theo dõi các yêu cầu từ phía cơ quan quản lý sở tại...

Cả nhóm lục tục ra về. Gần 6 giờ chiều, Lizze gửi thư điện tử thông báo hai doanh nghiệp đã được thành lập. Thời gian từ lúc hoàn thành hồ sơ để công ty dịch vụ gửi đi đến khi có kết quả chỉ là bốn giờ đồng hồ. Chị N.T.T.N, một trong hai chủ doanh nghiệp vừa được thành lập tỏ ra kinh ngạc về thời gian thực hiện thủ tục. “Quá nhanh, quá nguy hiểm!”, chị N. nói vui.

Ngày hôm sau, cả nhóm chúng tôi có mặt ở ngân hàng để mở tài khoản. Mỗi doanh nghiệp mở một tài khoản tiền Singapore và một tài khoản tiền đô la Mỹ. Ulrika See, cô chuyên viên của Ngân hàng OCBC, nói tiếng Anh với tốc độ của gió, vừa hỏi vừa ghi chép các thông tin về doanh nghiệp rất chi tiết, tỉ mỉ. Bộ câu hỏi lại tiếp tục xoay quanh chủ đề lý do thành lập doanh nghiệp ở Singapore; mô hình công ty, sản phẩm, dịch vụ, thời gian dự kiến hoạt động; tên doanh nghiệp và tên nhà cung cấp cho công ty đang hoạt động tại Việt Nam (nếu có)... Tổng thời gian tại ngân hàng của cả nhóm là gần một tiếng rưỡi đồng hồ.

Người Việt mở doanh nghiệp tại Singapore ngày càng nhiều

Lizze chia sẻ, chỉ mới tuần trước, cô cũng vừa hoàn thành đăng ký thành lập doanh nghiệp cho một người từ Việt Nam. Trong suốt một năm trước đó, công ty cô đã thực hiện nhiều hồ sơ tương tự và con số này tăng lên khá nhiều trong thời gian qua. Công ty của Lizze chỉ là một trong nhiều đơn vị chuyên nghiệp đang cung cấp dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Singapore cho người nước ngoài. Theo luật Singapore, cá nhân người nước ngoài không được phép tự đăng ký thành lập công ty mà phải qua công ty dịch vụ.

Chị N.T.T.N cho biết, lý do chị sang thành lập công ty ở Singapore là vì “không thể làm nổi ở Việt Nam”. Trước khi khởi nghiệp với mô hình xe đẩy bán thức ăn sáng ở TPHCM như hiện tại và quyết định lập công ty ở Singapore để nhượng quyền thương mại mô hình nhà hàng chuyên thức ăn truyền thống Việt Nam ra thế giới, chị N. từng là kế toán trưởng một doanh nghiệp dịch vụ có doanh thu hàng trăm tỉ đồng ở Hà Nội. Vậy nên, chị rất thấm thía chuyện phải làm như thế nào để yên ổn làm ăn, hợp thức hóa các loại chi phí, hợp lý các con số lợi nhuận. Ngay bản thân doanh nghiệp nhỏ mà chị làm chủ mới được thành lập đây, chị cũng chịu gian truân không ít. Kinh nghiệm làm kế toán “đầy một bụng” nhưng chị chấp nhận bỏ tiền thuê kế toán để có thời gian chuyên tâm cho sản phẩm, quản trị công ty.

“Nói riêng ở việc đăng ký doanh nghiệp thôi cũng đã đủ khổ vì các loại hồ sơ, giấy tờ. Khi đã hoạt động rồi thì vất vả với kê khai, báo cáo thuế, chi phí hợp lệ được trừ, rồi thì bảo hiểm, lao động. Lắm cơ quan đoàn thể quan tâm, nhìn ngó. Nhiều khi muốn làm đúng, muốn minh bạch, đàng hoàng cũng không thể. Mà đó là doanh nghiệp bé tí đấy!”, chị N. than thở.

Chị N. cũng chia sẻ, doanh nghiệp chị lập ở Singapore sẽ hoàn toàn không liên quan, dính dáng gì với công ty trong nước. Doanh thu, lợi nhuận ở đâu thì kê khai ở đó, đóng thuế ở đó và “chắc chắn là tuân thủ pháp luật nước sở tại một cách nghiêm túc nhất, bởi đó là cách để mình vươn ra thế giới”, chị N. khẳng định.

Anh H.V.B.G, người cũng vừa thành lập doanh nghiệp chuyên mô hình quán cà phê, nói rằng dù đã nghe về việc thành lập doanh nghiệp ở Singapore nhanh lẹ nhưng không ngờ thực tế trải nghiệm còn hơn cả tưởng tượng. Điều anh thích nhất là các thông tin khai báo của người thành lập doanh nghiệp được cơ quan quản lý cũng như ngân hàng tin, không bắt đi công chứng, xác nhận phiền phức quá mức cần thiết như ở Việt Nam.

Chuyên gia tái cấu trúc và quản trị doanh nghiệp Hồ Trọng Lai, đại diện Công ty Tư vấn và Đầu tư Waterstone Capital Partners LLC (Mỹ), người có nhiều năm làm việc với các startup ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, cho biết xu hướng sang Singapore để thành lập doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Tất nhiên, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu hay thống kê có uy tín nào về số lượng chính xác các startup Việt Nam đăng ký thành lập ở đảo quốc sư tử. Và bên cạnh Singapore, các starup Việt Nam còn tìm đến một số quốc gia khác như Philippines, Thái Lan... để lập công ty.

Theo ông Lai, có khá nhiều nguyên nhân khiến các startup chọn cách làm này. Thứ nhất là hành lang pháp lý nước bạn rõ ràng, các cơ quan công quyền tại đây hỗ trợ, cũng không yêu cầu về vốn pháp định (chỉ cần từ một đô la Singapore); thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn Việt Nam khá nhiều. Mọi thông tin về doanh nghiệp cũng minh bạch, rạch ròi, dễ tra cứu, không lòng vòng. Quan trọng hơn là có pháp nhân Singapore khi kinh doanh sẽ dễ dàng tiếp cận với các khách hàng trong khu vực châu Á (hơn là pháp nhân Việt Nam); công ty cũng được định giá cao hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp startup, nhất là doanh nghiệp về công nghệ, FinTech cũng có thể kêu gọi vốn bằng hình thức ICO (lần đầu phát hành và chào bán đồng tiền mã hóa ra công chúng) vì Singapore hiện chưa cấm. Không những vậy, pháp luật Singapore có sự cam kết cao với cộng đồng quốc tế trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ.

Chính những lợi ích dễ thấy này mà dù vẫn còn khá nhiều rào cản, khó khăn, như phải rành rẽ ngoại ngữ, có đủ thông tin để ra quyết định; phí đăng ký cũng không rẻ và nhất là phải có người quốc tịch Singapore đứng tên trong thành phần doanh nghiệp..., nhưng nhiều người Việt Nam vẫn sang đảo quốc sư tử để mở doanh nghiệp, nhất là những startup có mục đích kêu gọi vốn.

Hậu quả của việc này, theo ông Lai, không chỉ là “chảy máu chất xám” như nhiều người lo ngại mà quan trọng hơn là Nhà nước mất đi nguồn thu thuế chính thức. Rõ ràng hơn là không tạo nên một hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. “Người ta thường nói đất lành chim đậu. Việc các startup đi nước khác để mở công ty là nguyên lý này thôi. Ngay cả một số doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đang có ý định đổi quốc tịch vì lý do bị cơ quan thuế hành nhiều quá. Thủ tục với ngân hàng thì rườm rà. Mà lập doanh nghiệp đã khó, muốn giải thể càng khó hơn. Nếu Việt Nam không cải cách thủ tục thì các doanh nghiệp sẽ tự tìm kiếm sự thay đổi bằng cách tìm đất lành mà đậu”, ông Lai bình luận. 

(Theo TBKTSG)

Tin khác