Chộn rộn thị trường bán lẻ Việt

Được xem là chuỗi cửa hàng tiện lợi “sinh sau đẻ muộn” nhất tại thị trường Việt Nam tính đến thời điểm này, 7 Eleven đã làm nên “hiện tượng” lạ: lần đầu tiên 1 chuỗi cửa hàng tiện lợi được người tiêu dùng TP.HCM xếp hàng vào mua sắm trong mấy ngày liền.

Khơi mào cuộc chiến mới

Sự quan tâm quá cao từ người tiêu dùng – kể cả có yếu tố marketing của thương hiệu bán lẻ dày dặn kinh nghiệm đến từ Nhật Bản – khiến các doanh nghiệp khác đứng ngồi không yên. Cũng như các cửa hàng tiện lợi khác, 7 Eleven có cơ cấu mặt hàng tiêu dùng bao gồm thực phẩm, đồ uống… nhưng điểm khác biệt mang tính đột phá là đưa 100 món ăn thuần Việt vào bán trong cửa hàng. Phải chăng, đó là lý do khách xếp hàng để vào mua những món ăn 100% Việt Nam như: hột vịt lộn xào me, gỏi gà xé phay, bánh mì thịt, cơm các loại… trong chuỗi cửa hàng ngoại.

Theo ông Vũ Thanh Tú, CEO 7 Eleven tại Việt Nam, thực đơn 100 món thuần Việt được thay đổi liên tục chính là sự khác biệt và là một trong những chiến lược của 7 Eleven tại Việt Nam.

Chỉ vài ngày sau khi 7 Eleven khai trương cửa hàng đầu tiên và mảng thực phẩm tươi được khách hàng ủng hộ tích cực đã tạo nên hiệu ứng domino khi nhà cung cấp thực phẩm tươi cho 7 Eleven là Công ty CP Saigon Food ngay lập tức nhận được khá nhiều lời mời hợp tác gia công thực phẩm tươi từ các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác. Bà Lê Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food dự đoán, cuộc chiến giữa các chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ càng khốc liệt hơn trước, trong đó cuộc chạy đua mang tên thực phẩm tươi sẽ trở nên sôi động.

Theo chuyên gia marketing – thương hiệu Hoàng Tùng, mảng thức ăn tươi sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng để các thương hiệu trong lĩnh vực chuỗi bán lẻ/cửa hàng tiện lợi giành lấy thị phần và khách hàng của mình. Tại 7 Eleven ở nhiều quốc gia, thức ăn tươi chính là sản phẩm thu hút khách hàng đến sử dụng dịch vụ, nhưng rồi sau đó sẽ mua thêm các sản phẩm khác đúng như nguyên lý của ngành bán lẻ: sản phẩm khuyến mại, sản phẩm bán chạy nhất và sản phẩm sinh lợi nhất không nhất thiết phải là một sản phẩm.

Theo khảo sát chỉ số bán lẻ toàn cầu, năm nay Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp thứ 6 danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Tính đến tháng 4/2017, Việt Nam có khoảng 1.600 cửa hàng thực phẩm tiện lợi thuộc 10 thương hiệu lớn nhất trên thị trường. Chỉ riêng 7 Eleven vừa mở cửa hàng đầu tiên cũng đã công bố sẽ mở thêm 19 cửa hàng nữa trong năm 2017 và đến năm 2020 sẽ có 100 cửa hàng tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cạnh tranh bằng gì?

Vinmart+ đang chiếm ưu thế với 900 cửa hàng trên cả nước và theo kế hoạch, trong năm 2017-2018 Vingroup sẽ mở thêm khoảng 1.000 cửa hàng VinMart+; Circle K có 232 cửa hàng, B’smart có 166 cửa hàng… Các chuỗi này không ngừng tìm kiếm mặt bằng, mở thêm điểm bán mới và đưa vào phục vụ các dịch vụ ăn uống (tại chỗ hoặc mang đi) để thu hút khách. Theo các nhà bán lẻ, mô hình siêu thị bán lẻ truyền thống không còn phát triển tốt như trước, thay vào đó là mô hình cửa hàng tiện lợi. Nhận định này phù hợp với báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu và Đào tạo chuyên về ngành thực phẩm và tạp hóa toàn càu IGD. Theo đó, đến năm 2021, Việt Nam sẽ là thị trường tăng trường nhanh nhất châu Á về mô hình cửa hàng tiện lợi với tốc độ 37,4% dựa vào các yếu tố như tốc độ đô thị hóa, dân số trẻ và thu nhập của giới trẻ tăng nhanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, với sự chuẩn bị kỹ càng cùng kinh nghiệm quốc tế, 7 Eleven Việt Nam có chiến lược cạnh tranh bài bản và sẽ nhắm đến những thương hiệu lớn nhất tại thị trường Việt làm đối trọng cho thương hiệu của mình. Xét về mặt ngắn hạn, 7 Eleven là thương hiệu lớn, nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Những đối thủ chuỗi bán lẻ hiện đang tồn tại trên thị trường cũng có tiềm lực rất lớn. Những tên tuổi như Vinmart +, Shop&Go, Circle K, B’s Mart, Ministop và chưa kể một chuỗi lớn cũng mới gia nhập thị trường Việt là Miniso đều đã có vị thế nhất định và cũng đang phát triển ồ ạt điểm bán.

Trong khi đó, dù không theo mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi chuẩn quốc tế, các cửa hàng Co.opFood, Co.op Smile, SatraFood của Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển để giành thị phần. Chủ đầu tư chuỗi Co.opFood thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM là Saigon Co.op còn đang ráo riết chuẩn bị cho sự ra mắt mô hình cửa hàng tiện lợi trong năm nay. Thương hiệu bán lẻ ngành công nghệ là Thế giới di động cũng nhảy vào lĩnh vực này, cho ra đời chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh và cho biết sẽ mở rộng đầu tư để đạt con số 350 cửa hàng trong thời gian tới.

Chuyên gia marketing – thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng, có ba hướng phát triển chính yếu mà doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể nghiên cứu và áp dụng:

Thứ nhất là môi trường online, vì đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ có thể khai thác một cách thông minh nhằm đối đầu với các ông lớn.

Thứ 2, thu hẹp định vị. Có rất nhiều chuỗi bán lẻ bán nhiều thứ. Tuy nhiên, những thương hiệu bán lẻ ra đời sau thành công và tồn tại bên cạnh các ông lớn đều biết thu hẹp định vị của mình để có thể mang nét cá tính riêng và ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng mục tiêu. Ví dụ, trên thế giới, Target phát triển với chiến lược “Rẻ nhưng chất” (Cheap but Chic) và sống khỏe bên cạnh ông lớn Walmart. Stop&Shop tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Ngay cả trên môi trường online, nhiều ông lớn bắt chước mô hình của Amazon, nhưng không thành công.

Cuối cùng là phải có sản phẩm độc quyền. Nhà bán lẻ nào có khả năng sản xuất hoặc độc quyền phân phối những thương hiệu độc lập, được người tiêu dùng chấp nhận, chuỗi bán lẻ đó sẽ có trong tay mình ưu thế lớn.

Những lý do khuấy động thị trường bán lẻ Việt Nam

– 7 Eleven đưa 100 món ăn thuần Việt và được thay đổi liên tục vào bán trong chuỗi cửa hàng.
– Mảng thức ăn tươi sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng để các doanh nghiệp bán lẻ/cửa hàng tiện lợi giành lấy thị phần và khách hàng
– Làm theo nguyên lý của ngành bán lẻ sản phẩm sinh lợi nhất không nhất thiết phải là một sản phẩm
– Việt Nam đang xếp thứ 6 của thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu
– 7 Eleven công bố sẽ mở thêm 19 cửa hàng nữa trong năm 2017 và đến năm 2020 sẽ có 100 cửa hàng tại Việt Nam.

(Theo Doanh nhân)

Tin khác