Công ty đại chúng PT Modern Internasional, đối tác nhượng quyền của 7-Eleven tại Indonesia, tuyên bố tại sàn chứng khoán của Jakarta rằng thiếu hụt nguồn lực là lý do chính khiến họ ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động của cửa hàng 7-Eleven kể từ ngày 30/6. Công ty cũng tuyên bố đã đàm phán bán lại chuỗi cửa hàng và một số tài sản khác cho Charoen Pokphand Indonesia, một công ty con của Tập đoàn Thái Lan, Charoen Pokphand, với giá ròng 1 nghìn tỉ rupiah (585 triệu đô la Hồng Kông).
Nhưng hiện lý do tại sao 7-Eleven Indonesia đóng cửa vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Các nhà phân tích và các nhà quan sát cho biết sự kết hợp nhiều nguyên nhân như sự cạnh tranh khốc liệt, suy thoái kinh tế và những rào cản về chính sách, bao gồm việc cấm bán đồ uống có cồn trên toàn quốc vào năm 2015 đã dẫn đến việc thương hiệu phải đóng cửa.
Việc chấm dứt thỏa thuận nhượng quyền của 7-Eleven ảnh hưởng đến khoảng 110 cửa hàng trong nội thành và ngoại thành Jakarta, và cả hai bên đang đàm phán để chấm dứt hoạt động kinh doanh của 7-Eleven tại Indonesia, bao gồm cả việc bỏ tên và logo tại các cửa hàng 7-Eleven.
7-Eleven từng có vai trò trong việc phát triển hệ sinh thái thanh toán kĩ thuật số của Indonesia bằng cách thúc đẩy các giao dịch trực tuyến và thanh toán các tiện ích như tiền điện, nước tại các cửa hàng. Các đối thủ cạnh tranh, hai chuỗi siêu thị mini lớn nhất nước, Indomaret và Alfamart, cuối cùng đã bắt chước ý tưởng kinh doanh của 7-Eleven bằng cách phục vụ các bữa ăn nóng và các khu vực chỗ ngồi nhỏ tại một số cửa hàng.
Hai chuỗi này cũng bắt đầu chấp nhận thanh toán cho các tiện ích như tiền điện, nước và một loạt các dịch vụ kỹ thuật số khác bao gồm cả thương mại điện tử. Theo Euromonitor International, Indomaret và Alfamart chiếm gần 90% thị trường cửa hàng tiện lợi của Indonesia vào năm ngoái, trong khi 7-Eleven chỉ chiếm 0,7% thị phần.
Những ngày vinh quang của chuỗi cửa hàng tại quốc gia này đã không kéo dài. Trong hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận người dân Indonesia trở nên tằn tiện hơn khi nền kinh tế trì trệ và việc lượng cung lao động giá rẻ vượt cầu khiến sức mua giảm xuống.
Thay đổi hành vi của người tiêu dùng ảnh hưởng đến toàn thể ngành công nghiệp bán lẻ. Nhiều khách hàng không còn mua dự trữ hàng hóa mà chỉ mua khi cần. Người tiêu dùng Indonesia cũng ngày càng dựa vào các dịch vụ giao hàng trực tuyến, giảm tỷ lệ khách hàng mua sắm ngẫu hứng tại cửa hàng.
Modern Internasional đã đóng cửa 45 cửa hàng trong vòng hai năm qua do doanh số bán hàng giảm. Theo báo cáo hàng năm, công ty gặp khó khăn khi ghi nhận hơn khoản lỗ ròng hơn 630 tỷ rupiah trong năm qua, tăng từ mức 58 tỷ rupi vào năm 2015. Doanh thu thuần của 7-Eleven, đóng góp 75% vào tổng doanh thu của công ty, là 675 tỷ rupi năm ngoái, giảm gần 24%.
Olly Prayudi, Phó giám đốc của công ty xếp hạng tín nhiệm tại Fitch, Indonesia cho hay: "Vấn đề càng trầm trọng hơn khi 7-Eleven không có nhiều sự khác biệt so với các cửa hàng thức ăn nhanh và các nhà hàng cỡ vừa ở Indonesia.”
Các quy định chính sách không thuận lợi cũng đã góp phần làm tồi tệ thêm tai ương của công ty. Theo Fitch, vào năm 2015, lệnh cấm bán đồ uống có cồn ở các siêu thị nhỏ và các cửa hàng tiện lợi trên khắp đất nước là một cú sốc đối với hoạt động của công ty, vì đồ uống có cồn chiếm khoảng 15% doanh thu của Modern Internasional.
Tập đoàn Seven & i Holdings của Nhật Bản, công ty mẹ của chuỗi 7-Eleven, cho biết sẽ tìm kiếm một đối tác khác để khôi phục lại thương hiệu tại Indonesia.
(Theo Retail News Asia)