FRANCHISING
& LICENSING VIETNAM
FOLLOW US ON
Bạn đang quan tâm 0 thương hiệu   Gửi yêu cầu tư vấn

Nhượng quyền là gì?

Trích chương 1 quyển sách Xây dựng thương hiệu & mô hình nhượng quyền - Cẩm nang dành cho cá nhân & doanh nghiệp Việt nam

Tác giả: Nguyễn Phi Vân
Thành viên sáng lập & điều hành công ty World Franchise Associates Đông Nam Á

Mặc dù nhượng quyền hay franchise là từ được nhắc đến thường xuyên trong thời gian qua, để người đọc và người viết chia sẻ một định nghĩa chung về nhượng quyền trong khuôn khổ của quyển sách này, có lẽ chúng ta cũng nên nhắc lại định nghĩa của hình thức kinh doanh nhượng quyền.

Nhượng quyền mô hình kinh doanh

Trong khuôn khổ cuốn sách này, chữ nhượng quyền mà chúng ta sẽ đề cập đến là nhượng quyền một mô hình kinh doanh. Nhượng quyền mô hình kinh doanh là một “quan hệ hợp tác kinh doanh” trong đó một đối tác sẽ cho phép đối tác còn lại sử dụng bản sao một hệ thống kinh doanh đã qua thử nghiệm thành công của mình để đổi lấy quyền lợi là phí cho phép sử dụng ban đầu và các phí cho phép sử dụng liên quan trong suốt thời gian hợp đồng còn hiệu lực.

Với định nghĩa trên, có 2 tên gọi của 2 đối tác liên quan trong quan hệ hợp tác kinh doanh nhượng quyền là đối tác nhượng quyền và đối tác nhận quyền.

Đối tác nhận quyền được đối tác nhượng quyền cho phép kinh doanh một chi nhánh trong hệ thống chuỗi các chi nhánh của đối tác nhượng quyền, mang tên thương hiệu của đối tác nhượng quyền, và bằng cách sử dụng mô hình & phương thức kinh doanh của đối tác nhượng quyền. Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào khi đối tác nhận quyền không còn sử dụng đúng tên thương hiệu hay mô hình và phương thức kinh doanh như đã kể trên, đối tác nhận quyền có thể bị tước quyền sử dụng và có khả năng mất hết toàn bộ các khoản đã đầu tư trước đó.

Đối tác nhượng quyền chỉ nên nhượng quyền mô hình và phương thức kinh doanh đã qua thử nghiệm thành công, chứng thực được là có khả năng tạo thành những bản sao thành công tương tự, có thể phát triển trong một thời gian dài trong tương lai, với nhiều chi nhánh khác nhau, tại các khu vực thị trường khác nhau, với khả năng có thể huấn luyện nhiều người để có thể tham gia quản lý & hoạt động các chi nhánh đó. Chúng ta cần lưu ý rằng không ai nên hay cho phép mình nhượng quyền một “ý tưởng”, cho dù đó là một ý tưởng hay và độc đáo.  

Cho dù bạn chuẩn bị kinh doanh nhượng quyền với tư cách là đối tác nhượng quyền hay đối tác nhận quyền, hay chỉ làm việc chuyên môn trong ngành nhượng quyền, các định nghĩa trên là những định nghĩa cơ bản nhất mà chúng ta cần hiểu rõ. Các định nghĩa này sẽ giúp cho đối tác nhượng quyền và đối tác nhận quyền hợp tác thành công dựa trên nền tảng hiểu biết chung và dựa trên sự thấu hiểu vai trò, nghĩa vụ, và quyền lợi của mỗi bên. Trong nhượng quyền, quan hệ hợp tác và việc thực hiện đúng vai trò và nghĩa vụ của mỗi bên có thể nói là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo thành công cho việc hợp tác kinh doanh. Khi nảy sinh sự khác biệt giữa mong muốn và việc thực tế thực hiện vai trò và nghĩa vụ của bất kỳ bên nào, quan hệ hợp tác này sẽ phát sinh mâu thuẫn và đây chính là nguồn gốc dẫn đến sự suy yếu của toàn hệ thống.

Do đó, nếu bạn là đối tác nhượng quyền, điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần làm không phải là tập trung bán nhiều giấy phép nhượng quyền, mà ngược lại là phải đầu tư thử nghiệm để bảo đảm phương thức kinh doanh của mình thành công, mang lại lợi nhuận cho chính chi nhánh thử nghiệm của mình và sẽ mang lại lợi nhuận cho chi nhánh của nhà đầu tư trong tương lai. Ngoài ra, bạn cần đầu tư chuẩn hoá nền tảng và hệ thống kinh doanh để có thể chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh của mình cho đối tác nhận quyền. Nếu việc chuyển giao để đảm bảo đối tác nhận quyền có thể kinh doanh thành công như mình chưa được chuẩn bị đầy đủ và hoàn tất, bạn không nên nóng vội trước những cơ hội trước mắt mà tiến hành bán nhượng quyền. Sự nóng vội trước những cơ hội nhỏ lẻ chính là mầm mống dẫn đến thất bại trong quan hệ hợp tác kinh doanh nhượng quyền và là rào cản lớn nhất cho sự phát triển bền vững của mô hình và thương hiệu sau này. Nhượng quyền là hình thức kinh doanh đòi hỏi cam kết về đầu tư, với tầm nhìn & chiến lược dài hạn. Nếu bạn mất bình tĩnh chỉ vì mất đi một cơ hội nhỏ trước mắt, bạn sẽ phải trả giá rất đắt cho sự phát triển bền vững về sau. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể sẽ phải trả giá bằng sự thất bại của cả mô hình, thương hiệu, hay hệ thống mà mình đã dày công xây dựng. Đến đây, tác giả khuyên bạn nên đọc lại định nghĩa về nhượng quyền và định nghĩa về vai trò và nghĩa vụ của đối tác nhượng quyền. (Ví dụ về sự thất bại do nhượng quyền khi chưa chuẩn bị sẵn sàng)

Ngược lại, nếu bạn là đối tác nhận quyền, điều quan trọng nhất bạn cần hiểu rõ là vai trò và nghĩa vụ của bản thân trong vấn đề đầu tư và quản lý kinh doanh. Với vai trò là nhà đầu tư, đối tác nhận quyền thường hiểu rằng bản thân chỉ có nhiệm vụ đầu tư và quản lý chi nhánh nhượng quyền, tất cả những vấn đề khác về quảng bá, tiếp thị, huấn luyện, xây dựng đội ngũ… đương nhiên là nhiệm vụ của đối tác nhượng quyền. Đây là hiểu lầm thường gặp và tai hại nhất trong quan hệ hợp tác kinh doanh nhượng quyền. Sau vấn đề lợi nhuận kinh doanh & hoàn vốn đầu tư, việc hiểu sai vai trò và nghĩa vụ của bên nhận quyền là một trong những lý do nghiêm trọng nhất dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ hợp tác kinh doanh nhượng quyền, và cũng là lý do khiến cho nhiều thương hiệu nhượng quyền phải tiêu tốn nhiều thời gian & công sức để giải quyết, vô hình chung làm cản trở việc tập trung phát triển lành mạnh của cả đôi bên. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều công ty hoặc không chọn mô hình nhượng quyền để phát triển, hoặc chuyển đổi ngược lại sang cơ chế tự sở hữu và vận hành chuỗi sau khi thương hiệu đã phát triển thành công tại nhiều thị trường. Ví dụ cụ thể là thương hiệu Dunkin Donuts sau khi phát triển 2 cửa hàng nhượng quyền thứ cấp tại Thái lan và đánh giá được mức độ phức tạp trong quan hệ với đối tác nhận quyền, đã quyết định không tiếp tục phát triển với hình thức này. Có thể nói, mặc dù mô hình hợp tác nhượng quyền là một mô hình tiềm năng giúp đối tác nhượng quyền phát triển thương hiệu nhanh chóng mà không phải đầu tư nhiều về nguồn lực tài chính và nhân sự triển khai, đây không phải là một mô hình dễ dàng vận hành vì nó đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư về nền tảng, qui trình, nhân sự và tổ chức để có thể hỗ trợ cho và quản lý quan hệ với đối tác nhận quyền. Vì vậy, để có thể hợp tác nhận quyền thành công, các bạn nên tìm hiểu và bàn bạc với đối tác nhượng quyền thật rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên trước khi ký kết hợp đồng hợp tác. Trong 20 năm làm việc trong ngành nhượng quyền, 90% các đối tác mà tác giả đã gặp & thương thuyết tại nhiều nước khác nhau trên thế giới đều tập trung vào các quyền lợi tài chính mà bỏ qua các điều khoản về nghĩa vụ và quyền lợi trong quản lý hoạt động kinh doanh. Nếu có thể cam kết đầu tư tài chính và kinh doanh dài hạn, bạn không nên tiếc thời gian tìm hiểu và thảo luận thật rõ ràng với đối tác nhượng quyền về những nền tảng, kế hoạch, và công việc mình cần phải chuẩn bị để có thể hoạt động hiệu quả trong tương lai. Điều này đôi khi quan trọng hơn cả những con số phần trăm trong phụ lục 1 của hợp đồng nhượng quyền mà hầu hết mọi người đều mở ra & tập trung đọc trước. (Tìm con số % lý do kiện cáo về nhượng quyền trên thế giới & ví dụ về mâu thuẫn do hiểu sai vai trò nhận quyền)

Trong chương 6 - Những thử thách và giải pháp trong kinh doanh nhượng quyền tại Việt nam -  chúng ta sẽ bàn chi tiết và sâu hơn về các vấn đề này. 


Tin khác