Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm của iPOS.vn chỉ ra tình hình kinh tế khó khăn đã tác động đáng kể đến thói quen tiêu dùng cà phê của người Việt.
Đơn vị này khảo sát ngẫu nhiên 2.360 đáp viên tại 63 tỉnh thành, chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Kết quả cho thấy mức giá từ 41.000 đến 71.000 đồng/ly đang ngày càng phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỷ lệ người sẵn sàng chi tiêu.
Trong khi đó, phân khúc cao cấp gặp khó khăn khi tỷ lệ người chi hơn 100.000 đồng cho một ly cà phê đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%. Mức sẵn sàng chi tiêu giảm mạnh mẽ, báo động tới các thương hiệu ở phân khúc cao cấp như Starbucks Coffee, %Arabica, The Coffee Bean & Tea Leaf...
Đồng thời, báo cáo chỉ ra người tiêu dùng cũng giảm tần suất đi cà phê do áp lực công việc tăng cao. Gần 42% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi cà phê, trong khi 32% đi cà phê với tần suất 1-2 lần/tuần.
Khi được hỏi lý do, phần đông đáp viên cho rằng họ đang phải làm việc với cường độ cao hơn do khó khăn của nền kinh tế và nội tại của doanh nghiệp đang làm việc. Kinh tế khó khăn cũng khiến người tiêu dùng cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu cho những dịch vụ không thiết yếu.
Với ẩm thực, 56% người tham gia khảo sát chi tiêu từ 201.000 đến 500.000 đồng cho một dịp đặc biệt, tăng nhẹ khoảng 4% so với năm 2023. Ở phân khúc cao hơn từ 501.000 đến 1 triệu đồng, mức tăng là 5%.
Trong khi đó, phân khúc trung cấp từ 300.000 đến 500.000 đồng đang trở thành "chiến trường" cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn, nhỏ.
Sự cạnh tranh này mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng, khi họ được trải nghiệm những dịch vụ chất lượng cao với mức giá phải chăng. Để thu hút khách hàng, nhiều thương hiệu cận cao cấp đã điều chỉnh giá cả xuống trung cấp, khiến phân khúc này trở nên hấp dẫn với thực khách hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, 52,5% người được hỏi cho biết đã giảm tần suất trải nghiệm ẩm thực cho các dịp đặc biệt trong 6 tháng vừa qua. Tuy nhiên, họ sẽ cố gắng chi tiêu mạnh tay để có nhiều trải nghiệm.
Ngày sinh nhật đang dần trở thành dịp để người Việt tận hưởng những bữa ăn đặc biệt tại nhà hàng. Có đến 88% người được khảo sát cho biết họ chọn đi ăn nhà hàng cùng gia đình và bạn bè thay vì tổ chức tại nhà như trước đây.
Thói quen này thậm chí còn phổ biến hơn so với các dịp lễ truyền thống khác như Tết Nguyên đán hay 14/2. Đối với các dịp lễ ngắn ngày như Giỗ tổ Hùng Vương, tỷ lệ người đi ăn ngoài chỉ đạt 22% do thời gian nghỉ lễ hạn chế.
Ngược lại, dịp lễ 30/4-1/5 lại thu hút nhiều người hơn với tỷ lệ 51%, cho thấy thời gian nghỉ lễ dài có ảnh hưởng lớn đến quyết định đi ăn ngoài của người Việt.
(Theo ZNews)