FRANCHISING
& LICENSING VIETNAM
FOLLOW US ON
Bạn đang quan tâm 0 thương hiệu   Gửi yêu cầu tư vấn

Ông chủ Bệnh viện đồ da: Từ chú bé đánh giày cơ cực đến startup nhận đầu tư từ 4 'cá mập'

Anh Nguyễn Văn Phúc (hay còn gọi Phúc Búa) là chủ của Bệnh viện đồ da, chuyên cung cấp dịch vụ bảo hành, chăm sóc sản phẩm của các hãng sản xuất lớn, nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu da với 4 showroom ở thành phố Hà Nội. 

Có mặt tại Shark Tank Việt Nam, anh Nguyễn Văn Phúc đã thành công nhận đầu tư từ cả 4 Shark với số vốn 500 triệu đồng cho 8% cổ phần, đúng như đề nghị của anh mà không có "cá mập" nào thương lượng lại. Thế nhưng, đằng sau sự thành công của anh Phúc và Bệnh viện đồ da là cả một câu chuyện đặc biệt và đầy cảm động.

Anh Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1990 ở Hà Tây, là con trai út trong gia đình có đến 5 người chị gái. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn khi bố là thương binh, 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng của mẹ. 

Năm 2001, bố anh Phúc mất do bệnh nặng, kể từ đó áp lực kinh tế đè nặng lên vai mẹ. Do quá khổ, các chị phải nghỉ học, cho em đi học, khi đó trong anh Phúc luôn mang suy nghĩ phải kiếm tiền. Rồi anh quyết định đi đánh giày.

Kể lại về quãng thời gian này, anh Phúc từng chia sẻ "Hồi đó, tôi còn học THPT, đi học ngày 1 buổi, nếu học sáng thì chiều đi đánh giày. Còn nếu học chiều thì sáng tôi dậy sớm từ 3 giờ sáng, để bắt xe rong ruổi các con phố để mưu sinh."

Khát khao trở thành sinh viên nên khi khăn gói lên Hà Nội ôn thi, anh Phúc học ngày học đêm để theo kịp bạn bè. Vừa ông thi, anh Phúc vẫn đi đánh giày cả ngày, tối muộn trở về căn trọ lại lọ mọ ra ngoài hành lang với sách vở và chiếc đèn pin, ôn luyện đến sáng. Nỗ lực đó giúp anh Phúc vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Khi vào học đại học, anh Phúc có cơ hội được cộng tác với đài truyền hình. Khi đó, cả tuần anh làm việc bên đài, cuối tuần lại trở về với công việc đánh giày.

Bước ngoặt đến với anh Phúc từ năm 2015, qua những lần đánh giày cho khách, anh bắt đầu được tiếp xúc với lượng đồ hiệu khá nhiều. Anh bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu một số quy trình và sản phẩm bảo dưỡng đồ da. Sau một thời gian, tìm được vật liệu và quy trình phù hợp, anh quyết định kinh doanh theo hướng bảo dưỡng đồ da với phân cấp cao hơn một chút so với trước.

Tuy nhiên, phải đến năm 2018, quan sát thấy thị trường đồ hiệu da đang phát triển khá mạnh mẽ, anh Phúc quyết định mở dịch vụ chăm sóc đồ da ở Hà Nội. Cùng với một người đánh giày khác tên là Chiến, hai người vay được 100 triệu đồng và thành lập Bệnh viện Đồ Da, vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, dần dần lượng khách của bệnh viện đồ da ổn định, do tay nghề tốt nên nhiều khách hàng tìm đến hơn, đón những người yếu thế và lao động đường phố về làm cùng.

Hầu hết anh em trong xưởng đều có những câu chuyện đặc biệt. Người thì phải tha hương cầu thực kiếm sống từ rất sớm, người thì là nạn nhân của buôn người,... 

 "Mọi người được học kỹ thuật phục chế đồ da, đồ hiệu, may bọc sofa… Sau hơn 5 năm, doanh nghiệp đã có gần 50 bạn bước ra khỏi vùng tối của bản thân, trong đó có những bạn từng là nạn nhân của tảo hôn, nạn buôn bán người… để có việc làm trong môi trường ổn định, lương hàng tháng từ 9 – 15 triệu đồng", anh Phúc cho hay.

Hiện nay, Bệnh viện Đồ Da của anh Phúc nhận chăm sóc đồ da, chủ yếu phục chế những bộ sofa. Trung bình mỗi tháng, xưởng nhận sửa khoảng 20-30 bộ với mức giá hàng trăm triệu đồng.

 Đến với Shark Tank để kêu gọi 500 triệu đồng cho 8% cổ phần, anh Phúc dự định dùng số tiền này mở một cơ sở Bệnh viện Đồ Da mới tại TP.HCM, từ đó có thể giúp đỡ được nhiều người yếu thế hơn, đặc biệt ở Tây Nguyên bởi đây là khu vực có rất nhiều bạn trẻ dễ bị dụ dỗ.

CEO của Bệnh viện Đồ Da cho biết các nhân viên được đào tạo trong 6-9 tháng để có thể làm thuần thục. Sau khi gắn bó với doanh nghiệp, những người này có thể được hỗ trợ thêm về vốn và kỹ thuật để ra ngoài tự làm chủ. Họ cần cam kết tiếp tục hỗ trợ những người yếu thế khác để tạo thành một cộng đồng.

Shark Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners, cho biết quỹ của ông luôn dành tỷ lệ nhất định để đầu tư cho những startup đem lại ý nghĩa cho xã hội, cộng đồng. Vì vậy, "cá mập" này đồng ý với đề nghị của Phúc, không thương lượng thêm, không nhận cổ tức, nhưng yêu cầu được kiểm soát hiệu quả của hoạt động đầu tư.

Shark Nguyễn Phi Vân cũng đồng ý với đề nghị doanh nghiệp đưa ra, đồng thời cho biết thêm rằng bà sẽ hướng dẫn 2 mô hình phù hợp với Bệnh viện Đồ Da là nhượng quyền vi mô dành cho những tổ chức xã hội và nhượng quyền công việc cho các nhân viên. Điều kiện của "nữ cá mập" là Bệnh viện Đồ Da nên là doanh nghiệp xã hội thay vì doanh nghiệp thương mại. Shark Phi Vân cũng sẽ không lấy bất kỳ lợi nhuận nào.

Shark Nguyễn Văn Thái cũng ra đề nghị đầu tư tương tự và mong muốn 3 năm hoàn vốn.

Shark Bùi Quang Minh đồng ý hoàn toàn với đề nghị của CEO Bệnh viện Đồ Da, đồng thời rút vé vàng tặng thêm cho doanh nghiệp 500 triệu đồng – bằng số vốn doanh nghiệp kêu gọi. Ông chủ Bệnh viện Đồ Da đã nhận vé vàng, đồng ý bắt tay với Shark Minh.

Tuy nhiên, Shark Hưng cho rằng "lòng tốt không nên độc quyền", nên đề nghị cả 4 Shark cùng đầu tư.

Cuối cùng, Nguyễn Văn Phúc đã đồng ý nhận đầu tư từ cả 4 Shark với số vốn 500 triệu đồng cho 8% cổ phần, như đề nghị ban đầu của anh.

 (Theo CafeF)

Tin khác